(TSVN) – Sáng nay (4/8) tại Hà Nội, Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban thường vụ lần thứ hai (mở rộng) nhiệm kỳ V (2022-2027) do đồng chí Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam chủ trì.
6 tháng đầu năm, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam cùng các Hội viên đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng có nhiều hoạt động góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hội viên, ngư dân, nông dân.
Toàn cảnh Hội nghị Ban thường vụ lần thứ hai Hội Nghề cá Việt Nam. Ảnh: Thùy Khánh
Trong 6 tháng qua, Hội Nghề cá Việt Nam đã chủ động tổ chức các hội thảo, tìm cách tháo gỡ khó khăn để phát triển nuôi trồng thủy sản; kiến nghị đề xuất lên Bộ NN&PTNT, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố giải pháp cụ thể nhằm giải quyết khó khăn cấp bách cho người nuôi nhất là nuôi tôm, cá tra. Hội cũng kịp thời lên tiếng phản đối các hành vi của nước ngoài xâm phạm đến quyền và lợi ích của ngư dân trên Biển Đông; kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ cho ngư dân khai thác trên biển, kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành về vấn đề chống khai thác IUU, có chính sách hỗ trợ cho lao động trên các tàu khai thác xa bờ, đẩy mạnh sản xuất – tiêu thụ sản phẩm thủy sản, hỗ trợ vốn cho sản xuất…
Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng cơ cấu các nghề khai thác hợp lý, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; củng cố bộ máy quản lý cảng cá và công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phòng chống thiên tai, bão lũ, phòng chống cháy nổ trên tàu cá.
Đặc biệt Hội đã tổ chức thành công Hội chợ triễn lãm công nghệ ngành Tôm Việt Nam lần thứ 4 “Vietshrimp 2023” tại Cần Thơ vào tháng 4/2023 với quy mô 250 gian hàng và 4 phiên hội thảo về thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam chủ trì thực hiện). Tổ chức diễn đàn công nghệ ngành Tôm Việt 2023 tại Bạc Liêu, Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về tôm tại TP Hồ chí Minh, thăm vùng nuôi Tôm Cà Mau; chuẩn bị tổ chức triển lãm và hội thảo quốc tế về thủy sản 10/2023; chuẩn bị tổ chức triển lãm và hội thảo quốc tế về nuôi trồng thủy sản 5/2024… Đây là những hoạt động lớn, góp phần đẩy mạnh hợp tác chuyển giao tiến bộ KHCN, quảng bá thương hiệu thủy sản, xúc tiến thương mại, hỗ trợ sản xuất tiêu thụ sản phẩm thủy sản trong và ngoài nước.
Các Hội viên thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: Thùy Khánh
Về phương hướng hoạt động trong 6 tháng cuối năm, Hội Nghề cá Việt Nam tiếp tục củng cố và phát triển các Hội Nghề cá, Hội Thủy sản địa phương, phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn hội viên và ngư dân thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống khai thác IUU và khắc phục khuyến cáo của Liên Minh Châu Âu về IUU để sớm gỡ bỏ thẻ vàng của EC đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, đẩy mạnh công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản hướng tới phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm trong thời gian tới. Hội chủ động tham gia phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, các đơn vị đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất và theo hệ thống, đưa khoa học công nghệ, chính sách về kinh tế và an sinh xã hội, bảo vệ và khuyến khích ngư dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả và bền vững. Tham gia phát triển nuôi trồng thủy hải sản trên cả 3 loại nước ngọt, lợ và mặn theo hướng không mở rộng diện tích mà tăng năng suất, chất lượng và giá trị, đảm bảo phát triển nuôi trồng hiệu quả và bền vững.
Bàn về vấn đề chống khai thác IUU, đại biểu Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban phát triển thủy sản bền vững Hội nghề cá Việt Nam cho rằng: Hệ thống kiểm ngư từ trung ương đến địa phương cần thống nhất lại. Chúng ta cũng cần trang bị tàu, bè đi ra khơi xa chịu được sóng gió, cấp kinh phí thường xuyên cho lực lượng này. Để phát triển thủy sản bền vững thì cần chú trọng khai khác dưới trữ lượng cho phép, không nên nói nhiều mà cần biến khẩu hiệu thành hành động.
Đại diện Hội viên các địa phương tham gia thảo luận trực tuyến. Ảnh: Thùy Khánh
Liên quan đến vấn đề chống khai thác IUU, TS. Phạm Anh Tuấn, Ủy viên Ban thường vụ, nguyên Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh để giải quyết được IUU thì cần làm rất nhiều việc, cần thay đổi tổng thể, kiểm soát tại cảng. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tập trung giải quyết 2 vấn đề đó là quản lý chặt chất lượng tôm giống – đấy là cái giảm rủi ro cho người dân đầu tiên; tổ chức sản xuất phù hợp thì ngư dân mới có cơ hội mua vật tư giá rẻ. Hội Nghề cá Việt Nam cần cùng với các tổ chức địa phương thay đổi phương thức sản xuất, với vai trò của Hội nên xúc tiến với các đơn vị lên kế hoạch làm việc tích cực thì mới hiệu quả.
Nhân lực lao động nghề cá cũng là một trong các yếu tố quan trọng liên quan đến vấn đề chống khai thác IUU. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu nhắc tới trong Hội nghị. Theo các đại biểu, trong 10 năm nữa ngành thủy sản sẽ thiếu một lượng lớn kỹ sư quản lý thủy sản, rất khó tuyển dụng. Hiện nay nhiều trường đại học, cao đẳng rất khó tuyển được người theo học ngành thủy sản bởi sinh viên dường như chưa mặn mà với nghề. Do đó, đào tạo nhân lực ngành khai thác thủy sản cần phải thay đổi, chương trình học và đối tượng cần được đổi mới phù hợp với thực tế như đào tạo quản lý nghề cá, ngư dân cần được đào tạo về kỹ thuật khai thác, tuân thủ pháp luật và nhất là các chương trình ngắn hạn. Hội cũng có thể đề xuất các chương trình học cho các đối tượng này với lộ trình và thời gian phù hợp.
Phát biểu kết luận Hội nghị Ban thường vụ lần thứ hai, TS. Nguyễn Việt Thắng, Ủy viên Ban thường vụ, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam đánh giá cao đóng góp, kết nối của các hội viên. Đồng chí mong muốn các hội viên tiếp tục duy trì phát huy nhân rộng những mục tiêu đã đạt được, với một số khó khăn kiến nghị cần đưa ra phương hướng, giải pháp cụ thể. Hội Nghề cá Việt Nam cũng sẽ tăng cường phối hợp cùng các Hiệp hội để các bên cùng nhau đẩy mạnh vị thế, nâng tầm giá trị, phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam.
Thùy Khánh