Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhằm đảm bảo an toàn cho thủy sản nuôi trước tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn, nhiều địa phương đã nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn, giúp thủy sản nuôi đạt hiệu quả như mong muốn.

Tỉnh Sơn La 

Ngày 17/10/2023, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch số 250/KH-UBND về việc phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024. 

Kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh trên động vật thủy sản phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, giám sát, sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời dịch bệnh. Trong trường hợp dịch bệnh xảy ra, nhanh chóng bao vây, khoanh vùng và dập tắt dịch bệnh trên phạm vi hẹp, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản (NTTS) do dịch bệnh gây ra. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của người dân, chủ cơ sở NTTS về tác hại của dịch bệnh trong NTTS; trách nhiệm của người nuôi, các cấp chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường và cảnh báo những ảnh hưởng của bệnh xảy ra đối với các vùng NTTS trên địa bàn toàn tỉnh. 

Một trong các giải pháp tỉnh thực hiện là giám sát dịch bệnh động vật thủy sản. Trong đó, về giám sát bị động: Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát dịch bệnh đến các ao nuôi, báo cáo kịp thời các đối tượng thủy sản nuôi bị mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh. Trong trường hợp nghi mắc bệnh nguy hiểm phải lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh và có hướng xử lý phù hợp, hiệu quả. Giám sát chủ động: Tổ chức giám sát dịch bệnh thủy sản đến các cơ sở nuôi trồng thủy sản, các bản, hộ gia đình NTTS nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để kịp thời dập tắt, khống chế không để dịch bệnh lây lan. 

Cùng đó, nâng cao trách nhiệm, năng lực giám sát tại cơ sở. Tăng cường hệ thống giám sát, khai báo, thông tin tại cơ sở NTTS, đảm bảo tất cả các đối tượng thủy sản nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh phải được phát hiện và báo cáo kịp thời. Trong trường hợp nghi mắc bệnh nguy hiểm cần thu mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh và có hướng xử lý phù hợp, hiệu quả, đúng quy định. 

Bên cạnh đó, thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường NTTS với vùng nuôi cá lồng tập trung với thể tích từ 1.000 m3 trở lên. Kiểm tra lấy mẫu các chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa trong môi trường nuôi phục vụ công tác cảnh báo dịch bệnh thủy sản: pH, DO, NH3, NO2, COD… 

Ngoài ra, yêu cầu chủ cơ sở nuôi phải áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và thường xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường, khu vực NTTS; Tăng cường chăm sóc và nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nuôi; Không thả mới hoặc thả bổ sung thủy sản trong thời gian công bố dịch; Không thay nước ao, vứt xác thủy sản ra ngoài môi trường nuôi trong thời gian công bố dịch. Tăng cường giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm thủy sản mắc bệnh và áp dụng biện pháp phòng chống kịp thời… 

Tỉnh Hòa Bình 

Ngày 16/11/2023, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND về Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh. 

Trong đó, đối với thủy sản nuôi, tỉnh chỉ đạo áp dụng các quy trình kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh. Tuân thủ các quy định về điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất thải theo quy định; mùa vụ thả giống, chất lượng con giống, quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý chăm sóc (VietGAP, GlobalGAP…); áp dụng các biện pháp hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho thủy sản, nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. 

Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y; định kỳ kiểm tra ao, hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, xử lý động vật trung gian truyền bệnh; thu mẫu gửi mẫu xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ có dịch bệnh phát sinh; xử lý theo quy định động vật thủy sản nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và áp dụng các biện pháp xử lý ao, hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, môi trường nước, thức ăn, phương tiện, dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi. 

Chủ động các biện pháp phòng bệnh cho động vật thủy sản để giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh; phòng, chống kháng kháng sinh và tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm thủy sản. 

Giám sát chủ động: Công tác giám sát thực hiện chủ yếu với thủy sản nuôi tại các cơ sở sản xuất, khu ương nuôi giống, khu nuôi tập trung, các khu vực nuôi cá lồng, bè (2 lần/năm). 

Giám sát bị động: Thực hiện kiểm tra, giám sát khi có thông tin dịch bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm để gửi xét nghiệm xác định bệnh hỗ trợ công tác chẩn đoán, báo cáo diễn biến dịch bệnh và hướng dẫn tổ chức thực hiện các biện pháp bao vây khống chế, xử lý kịp thời dịch bệnh. 

Cách ly, di chuyển (đối với thủy sản nuôi lồng, bè) động vật thủy sản mẫn cảm với mầm bệnh, hạn chế các tác nhân làm lây lan dịch bệnh, sử dụng các loại hóa chất để vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; Thu hoạch đối với thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm có thể sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hoặc các mục đích khác theo quy định. Đồng thời chữa bệnh đối với thủy sản bị mắc bệnh… 

Ngoài ra, tổ chức vệ sinh khử trùng tiêu độc; thực hiện kiểm dịch vận chuyển động vật, kiểm soát mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý người hành nghề thú y và buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và sản xuất con giống vật nuôi xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. 

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!