Lai Châu: Hiệu quả mô hình nuôi cá lăng trong lồng bè

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhằm khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước hồ chứa để phát triển nuôi trồng thủy sản, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lai Châu đã thực hiện mô hình nuôi cá lăng trong lồng bè.

Mô hình nuôi cá lăng trong lồng bè tại xã Tà Mít, huyện Tân Uyên

Mô hình được thực hiện với quy mô 200 m3, cá giống thả 2.000 con, mật độ 10 con/m3. Tham gia mô hình có 03 hộ gia đình tại xã Trung Đồng và xã Tà Mít, huyện Tân Uyên. Nhà nước hỗ trợ 100% con giống, 50% thức ăn, chế phẩm sinh học.

Trong quá trình triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với địa phương lựa chọn các hộ có đủ điều kiện theo yêu cầu của dự án; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cho các hộ nuôi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ khâu quản lý lồng nuôi, chăm sóc, nuôi dưỡng đến theo dõi phòng bệnh; tư vấn cho các hộ về định lượng thức ăn trong ngày, thời điểm  nuôi cá hiệu quả.

Sau 8 tháng nuôi: Cá lăng sinh trưởng và phát triển tốt, không có mầm bệnh, tỷ lệ sống đạt 90%; trọng lượng cá trung bình đạt 1,5 – 1,7 kg/con, có thể xuất bán.

Gia đình anh Tòng Văn Cha, xã Tà Mít, là một trong 3 hộ tham gia mô hình nuôi cá lăng trong lồng bè. Gia đình anh đã tận dụng lòng hồ, đầu tư lồng, bè nuôi cá. Nước hồ ở đây không bị ô nhiễm nên cá ít dịch bệnh. Anh Cha cho biết, đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi con cá đạt 1,5 kg, sản lượng cá ước đạt trên 950 kg/70m3; với giá bán cá thương phẩm trên thị trường dao động từ 70.000 – 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình anh có lãi khoảng 25 triệu đồng. Qua mô hình nuôi cá lăng trong lồng bè, gia đình anh đã biết thêm nhiều kiến thức như: cách sử dụng men vi sinh trong nuôi cá; việc đảm bảo nguồn nước luôn sạch sẽ giúp cá tăng trọng nhanh, ít bị dịch bệnh; cần chăm sóc, quản lý cá trong từng giai đoạn sinh trưởng; bổ sung khoáng chất và thuốc phòng ngừa dịch bệnh khi cần thiết. 

 Mô hình nuôi cá lăng trong lồng bè đã và đang mở ra một hướng đi mới cho người dân địa phương và cũng là định hướng phát triển nuôi trồng thuỷ sản của huyện Tân Uyên, đó là tận dụng được các điều kiện tự nhiên sẵn có để phát triển đối tượng nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Theo đánh giá của bà Đỗ Thị Thùy Ninh – Phó chủ tịch UBND xã Tà Mít: Việc triển khai mô hình nuôi cá lăng trong lồng bè rất phù hợp với điều kiện sinh thái, khả năng đầu tư và tập quán sản xuất của người dân huyện Tân Uyên nói riêng cũng như các xã vùng ven lòng hồ thủy điện nói chung. Tuy nhiên, để mô hình phát huy hiệu quả và có thể nhân rộng, phải chủ động sản xuất được con giống tại chỗ, đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và có sự quy hoạch của địa phương cũng như định hướng phát triển lâu dài.

Phạm Thị Kim Thành

Trung tâm Khuyến nông Lai Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!