Lai Châu: Mô hình nuôi cá tổng hợp bản Nà Củng

Chưa có đánh giá về bài viết

Mô hình được Trạm Khuyến nông huyện Phong Thổ phối hợp với Hội Nông dân xã Mường So triển khai. 34 gia đình ở bản Nà Củng tham gia chương trình được hỗ trợ các loại cá giống như: trắm, chép, rô phi đơn tính… và thức ăn chăn nuôi trên 1ha diện tích mặt nước trong thời gian 1 năm.

Để việc thực hiện mô hình nuôi cá hiệu quả, giúp bà con nâng cao giá trị sản xuất, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện cho các gia đình tham gia lớp tập huấn chuẩn bị ao, kỹ thuật nuôi cá, từ đó giúp bà con nắm được đặc điểm thích nghi với môi trường cũng như các loại thức ăn phù hợp với từng loài cá. Nhờ đó, cá giống sau khi thả đã được chăm sóc, phòng bệnh kịp thời. Đến nay, tỷ lệ cá sống đạt 100%, sinh trưởng, phát triển tốt.

Các gia đình đã rất vui vì đây là cơ hội phát huy lợi thế tự nhiên của địa phương. Trước đây do không có vốn và chưa biết tận dụng diện tích mặt nước, không hiểu kỹ thuật nên việc nuôi cá của bà con trong bản gặp nhiều khó khăn như: cá thường xuyên bị bệnh chết, cá chậm lớn gây thất thoát kinh tế. Vì vậy, nhiều hộ gia đình không dám nuôi cá hàng hóa cung cấp cho thị trường. Số lượng gia đình có nhu cầu nuôi cá cũng giảm đi đáng kể, chỉ còn một vài hộ nuôi cá để sử dụng trong gia đình là chính, còn số khác thì sử dụng ao để thả bèo tây, trồng rau muống chăn nuôi lợn.

Anh Hoàng Ngọc Thinh chăm sóc cá.

Gia đình anh Hoàng Ngọc Thinh là một trong những hộ tham gia mô hình nuôi cá trong đợt này. Sau khi được tập huấn nuôi cá anh tích cực về khơi thông dòng nước chảy, dẫn nước từ suối, mạch nước ngầm, thau chua rửa mặn, nạo vét xung quanh ao đảm bảo ánh sáng, nhiệt độ cung cấp cho cá.

Với diện tích 600m2, gia đình anh được cấp 900 con cá giống và 15 bao thức ăn cho cá. Được phổ biến phương pháp chăn nuôi, hàng ngày anh cho cá ăn đúng giờ và thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện những dấu hiệu, hiện tượng bất thường xuất hiện trên cơ thể cá. Anh cho biết: “Ngoài cho cá ăn thức ăn hỗn hợp chế biến sẵn thì gia đình tôi còn cho cá ăn cỏ, lá chuối, nấu cám ngô để cung cấp thức ăn xanh tự nhiên, chất dinh dưỡng cho cá. Để đáp ứng lâu dài nguồn thức ăn cho cá, tôi trồng thêm cỏ voi ở 2 bờ ao”.

Niềm vui còn đến với gia đình anh Đèo Văn Eo, anh xúc động chia sẻ với chúng tôi: “Được Nhà nước quan tâm, tôi rất mừng vì lâu nay cứ loay hoay, không biết khai thác diện tích ao nhà mình thế nào để mang lại hiệu quả kinh tế. Nay được hỗ trợ vốn, giống cá, tôi sẽ tích cực chăm sóc để lứa cá này phát huy hiệu quả. Tôi định hướng tập trung vào nuôi cá rô phi đơn tính vì đây là loại cá sinh sản nhanh, thu hoạch sớm lại có sức đề kháng tốt”.

Cũng theo ý kiến của bà con, nuôi cá còn hiệu quả hơn cấy 1 số giống lúa. Vì trên cùng 1 đơn vị diện tích, đào ao thả cá trung bình 1 năm thu hoạch 1 tạ cá sẽ có doanh thu hơn 10 triệu đồng, nhưng nếu gieo mạ cấy lúa thì chỉ đạt hiệu quả bằng một nửa.

Từ mô hình nuôi cá tổng hợp ở bản Nà Củng, hy vọng những hộ gia đình tham gia sẽ có những vụ thu hoạch cá bội thu, nâng cao thu nhập gia đình.

Hoài Thương

Báo Lai Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!