Muốn tồn tại, phải truy xuất nguồn gốc

Chưa có đánh giá về bài viết

Đây là yêu cầu bắt buộc đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam nếu muốn có chỗ đứng tại các thị trường quốc tế.

Thiếu an toàn thực phẩm

Báo cáo của EuroCham cho thấy, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu 30,8 tỷ USD hàng nông sản và mục tiêu của năm 2015 là 32 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị này có thể còn cao hơn nữa nếu giải quyết được vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm.

Báo cáo từ cuộc thăm dò dư luận được tiến hành bởi Tổ chức Ngành thực phẩm châu Á (FIA), an toàn thực phẩm được xếp là vấn đề sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đối với sở thích tiêu dùng tại châu Á trong năm 2015 – 2016.

Cụ thể, năm 2014, có khoảng 5.000 ca được báo cáo là bị ngộ độc thực phẩm tại Việt Nam, chưa tính các trường hợp không được chính thức ghi nhận. Cùng đó, năm 2014, các Ủy ban thương mại trong Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Mỹ nhận được rất nhiều cảnh báo về các lô hàng thủy hải sản có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép. Từ đầu năm đến nay, Hệ thống cảnh báo nhanh thực phẩm và thức ăn (RASSF) của EU đã từ chối 21 sản phẩm đến từ Việt Nam; năm 2014, khoảng 130 sản phẩm không được phép nhập khẩu trực tiếp vào EU, 51 lô hàng chứa dư lượng hóa chất, kháng sinh quá cao.

 

Nhiều doanh nghiệp chưa kiểm soát được nguồn nguyên liệu cho chế biến – Ảnh: Huy Hùng

Do vậy, vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ gây bệnh cho người mà còn hạn chế cơ hội xuất khẩu của Việt Nam; gây tổn hại uy tín của sản phẩm Việt Nam. Theo đó, điều quan trọng cần được hiểu rằng các nước nhập khẩu đã đặt tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn mà sản phẩm Việt Nam đáp ứng và cao hơn tiêu chuẩn mà Việt Nam yêu cầu. Vấn đề này có thể giải quyết được nếu thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thực thi pháp luật.

 

Buộc phải truy xuất nguồn gốc

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc là cơ hội nâng cao chất lượng sống, phúc lợi xã hội; tăng cường biện pháp đáng kể hướng tới bảo vệ các hiệp định tự do thương mại được thực thi có hiệu quả. Châu Âu là thị trường chính của các sản phẩm thủy sản Việt Nam; nhưng vấn đề quan tâm hàng đầu là an toàn vệ sinh thực phẩm cần được thực hiện đầy đủ.

Ông Alexander Kliegl, Chủ tịch Tiểu ban kinh doanh thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thuộc EuroCham cho hay, những năm gần đây, hàng hóa nông sản của Việt Nam bị cảnh báo tại nhiều thị trường. Các nhà nhập khẩu cần biết được các chuẩn mực tốt nhất về mặt hàng để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và phòng tránh dịch bệnh, để các cơ quan chức năng EU áp dụng các quy chuẩn này, yếu tố minh bạch và khách quan là rất quan trọng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc là rất quan trọng nhưng bất cập chính là từ phía các đơn vị sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ; nhất là nông, thủy sản nguyên liệu được mua từ nhiều nguồn khác nhau, hộ gia đình tự sản xuất rồi bán lại, không có hệ thống quản lý, sổ sách…

Theo đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, thị trường 500 triệu người tiêu dùng của EU có sức mua lớn nhất trên thế giới. Việt Nam là nước xuất khẩu các sản phẩm nông sản quan trọng sang EU như hoa quả, trái cây, thủy sản và có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong tương lai. Nếu giải quyết được vấn đề truy xuất nguồn gốc thì người nuôi trồng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ hưởng lợi nhờ giá cả tốt hơn, sản lượng và giá trị xuất khẩu cao hơn.

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, thay vì tập trung vào sản xuất, Việt Nam cần hướng đến nhu cầu thị trường và người tiêu dùng để mở ra cơ hội lớn hơn cho các sản phẩm nông sản. Tập huấn nâng cao nhận thức hơn nữa cho người sản xuất, giúp họ hiểu và áp dụng tốt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hành sản xuất tốt, hướng dẫn dán nhãn sản phẩm…

>> Từ đầu năm đến nay, hệ thống cảnh báo nhanh thực phẩm và thức ăn (RASSF) của EU đã từ chối 21 sản phẩm đến từ Việt Nam. 17 sản phẩm khác đã bị ngăn chặn và cần phải cung cấp thêm thông tin.

Nguyên Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!