Phát huy thế mạnh lòng hồ thủy điện, giúp các thành viên làm giàu bền vững, HTX Vận tải Hợp Lực (Quỳnh Nhai) đã tập trung thực hiện nuôi cá lồng theo đúng quy trình VietGAP, tạo sản phẩm chất lượng tốt, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng.
Nuôi cá lồng theo quy trình VietGAP ở HTX Vận tải Hợp Lực.
Để “mục sở thị” cách nuôi cá lồng của HTX Vận tải Hợp Lực chúng tôi đến khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La thuộc địa phận xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai). Ấn tượng bởi khu vực nuôi cá được đầu tư xây dựng kiên cố, nằm ngay dưới khu vực cầu Pá Uôn trong xanh, phẳng lặng. Đưa chúng tôi đi thăm các lồng nuôi cá, ông Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc HTX kể về duyên nghiệp gắn bó với nghề nuôi cá. Qua câu chuyện chúng tôi được biết, HTX thành lập năm 2011 với 7 thành viên, ngành nghề chủ yếu là vận tải, thu mua nông sản. Đến năm 2015, nhận thấy tiềm năng, lợi thế của vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai thích hợp phát triển nuôi thủy sản, Ban Giám đốc HTX đã họp các thành viên, thống nhất bổ sung nghề nuôi thủy sản vào ngành nghề kinh doanh của HTX. Sau đó, HTX bắt tay xây dựng phương án sản xuất và đầu tư 200 lồng nuôi cá kiên cố và các công trình phụ trợ như: nhà nổi, kho, nhà lạnh chứa cá tạp làm thức ăn cho cá… Tháng 9/2015, HTX bắt đầu nuôi các loại cá như: nheo, lăng, trắm, chép và rô phi. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch cá vụ đầu tiên còn thấp do thiếu kinh nghiệm nuôi, chưa biết cách phòng bệnh cho cá, chưa biết vệ sinh lồng đúng cách tránh gây sốc cho cá dẫn đến dịch bệnh trên đàn cá xảy ra.
Trước khó khăn đó, HTX đã tập trung nghiên cứu tìm hiểu, thực hiện quy trình nuôi cá theo quy trình VietGAP vừa đảm bảo năng suất, chất lượng cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Từ đó, HTX đã chủ động tìm hiểu kiến thức phòng trị bệnh cho cá, kỹ thuật nâng cao hiệu suất nuôi cá lồng, tìm hiểu đặc tính sinh học từng loại cá để có giải pháp phù hợp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian nuôi và giảm giá thành nuôi. Cùng với đó, HTX thường xuyên cử các thành viên tham gia các lớp tập huấn về cách thức nuôi, chăm sóc cá lồng do các đơn vị tổ chức, trực tiếp là sự tư vấn của cán bộ Tổ Tư vấn thủy sản huyện về kỹ thuật chăm sóc, phòng và trị bệnh cho cá. Đặc biệt, để đáp ứng quy chuẩn VietGAP, HTX được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản hướng dẫn cách thức, quy trình xây dựng nuôi cá lồng, đáp ứng các quy chuẩn VietGAP… Theo đó, các thành viên được HTX hướng dẫn quy trình nuôi cá bài bản, mỗi lồng được HTX cắm biển, ghi chép cẩn thận về ngày xuống giống, chủng loại giống, loại cám cho ăn, làm sổ theo dõi các lồng nuôi về lượng thức ăn, thuốc phòng bệnh… để giám sát quy trình nuôi, bảo đảm chất lượng và hiệu quả tại từng lồng nuôi cá, phục vụ việc truy xuất nguồn gốc khi tiêu thụ.
Nhờ quy trình nuôi cá sạch, quá trình sinh trưởng của cá được bảo đảm, ít xảy ra dịch bệnh, chất lượng sản phẩm tăng, giúp hiệu quả sản xuất của HTX được nâng lên. Cuối năm 2016, HTX được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP, trở thành một trong những HTX thủy sản đầu tiên trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai được công nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, sau mỗi quy trình nuôi tại HTX (một lồng rộng 70 m², nuôi 500 con, thời gian nuôi từ 13 – 15 tháng) năng suất đạt khoảng 1,3 tấn cá/lồng, doanh thu bình quân đạt 85 triệu đồng/lồng, lợi nhuận bình quân đạt 21,5 triệu/lồng. Sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ tại thành phố Sơn La, các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, thành phố Hà Nội, Hải Phòng… HTX còn là thành viên Liên hiệp HTX thủy sản sông Đà, cùng các HTX khác ở huyện Quỳnh Nhai kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm và từng bước xây dựng thương hiệu cá sông Đà…
Thành công của mô hình nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở HTX Vận tải Hợp Lực đã mở ra nhiều triển vọng phát triển mới cho việc nuôi thủy sản khi nhu cầu về thực phẩm sạch, rõ xuất xứ của xã hội ngày càng tăng, góp phần làm thay đổi nhận thức của các HTX nơi đây. Đáng mừng hơn, hiện nay, Quỳnh Nhai đã có 9 HTX đăng ký nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, đây chính là hướng đi phù hợp, bền vững đối với nghề nuôi cá lồng trên địa bàn huyện.