Nuôi trồng Quảng Ninh: Khả quan nhờ quản lý tốt

Chưa có đánh giá về bài viết

Một năm khởi đầu với nhiều khó khăn nhưng ngành thủy sản Quảng Ninh vẫn vượt khó và về đích sớm. Trong đó nổi bật là nuôi trồng thủy sản tăng cả về diện tích, sản lượng và giá trị.

Về đích sớm

Theo Sở NN&PTNT Quảng Ninh, tính đến 7 tháng đầu năm 2014 tổng diện tích thả nuôi thủy sản của toàn tỉnh đã đạt 20.100 ha, bằng 100% so cùng kỳ năm 2013 và 100% so kế hoạch. Trong đó, nuôi nước mặn lợ 16.730 ha; nước ngọt 3.370 ha; nuôi lồng bè 8.037 ô lồng. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 17.918 tấn (bằng 116,2% so cùng kỳ năm 2013 và 52,7% so với kế hoạch). Sản lượng tôm nuôi đạt 3.001 tấn, cá biển 2.120 tấn, nhuyễn thể 7.560 tấn… Giá trị sản xuất nuôi thủy sản ước đạt 795,5 tỷ đồng (tăng 2,13%).

Tôm là một trong những đối tượng chủ lực của ngành thủy sản Quảng Ninh. Chỉ riêng 7 tháng đầu năm, diện tích tôm nuôi toàn tỉnh đã 9.666 ha (bằng 103% kế hoạch). Năng suất tôm cũng cao hơn các năm trước, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 12 – 15 tấn/ha. Theo nhiều hộ nuôi và doanh nghiệp thì năm nay Quảng Ninh tôm được mùa, được giá.

Nói về những khó khăn, thuận lợi của ngành thủy sản Quảng Ninh, Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Quảng Ninh là một tỉnh có nhiều ưu đãi về diện tích và tiềm năng nuôi trồng thủy sản, có mạng lưới các nhà máy chế biến; giáp với Trung Quốc và có ngành du lịch phát triển nên việc tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 ngành cũng gặp không ít khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, đặc biệt là bệnh trên tu hài vẫn chưa tìm được nguyên nhân và giải pháp cụ thể.

Nhuyễn thể vẫn là chủ lực của Quảng Ninh – Ảnh: Quốc Minh

“Xác định những khó khăn ngay từ đầu vụ, Sở NN&PTNT đã có kiến nghị, đề xuất; phối hợp với tỉnh chỉ đạo sản xuất, đưa ra những giải pháp kịp thời. Đặc biệt là thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản; Nghị quyết 13 của tỉnh về phát triển thủy sản. Trong đó, tập trung vào công tác quản lý môi trường và dịch bệnh; sản xuất và kinh doanh giống; công tác quản lý quy hoạch vùng và đối tượng nuôi…”, ông Công cho biết thêm.

 

Nhờ quản lý tốt

Mỗi năm ngành thủy sản Quảng Ninh cần hàng tỷ con giống thủy sản, nhiều nhất là tôm giống và nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Để đáp ứng nhu cầu con giống, ngay từ đầu vụ 2014, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các trại sản xuất, đơn vị cung ứng giống chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, kỹ thuật, thời vụ, nên việc cung cấp giống thủy sản diễn ra thuận lợi. Các đơn vị sản xuất giống trong tỉnh mới đáp ứng được 26% nhu cầu, còn lại phải nhập từ nơi khác, nhưng tỉnh đã có chính sách (như hỗ trợ kinh phí cho người mua giống ở những đơn vị có uy tín, chất lượng; kiểm tra, kiểm dịch chặt), giúp mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.

Không chỉ quản lý từ con giống, công tác quản lý môi trường, bệnh và dịch bệnh cũng được các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm ngặt. Việc phát hiện, cảnh báo và kiến nghị tỉnh công bố dịch bệnh trên tu hài, tôm sú đã giúp khoanh vùng, dập dịch hiệu quả và giảm thiệt hại cho người nuôi…

Nghề nuôi tôm tại Quảng Ninh đang phát triển mạnh với nhiều hình thức từ quảng canh đến thâm canh mật độ cao, tập trung ở một số địa phương như TP Móng Cái, thị xã Quảng Yên, huyện Tiên Yên. Mấy năm nay nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển, nhiều địa phương (như Đông Triều, Uông Bí) đã phát sinh việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, không đúng quy hoạch. Sở NN&PTNT đã cùng các cơ quan ban ngành kiểm tra thực tế, khuyến cáo, từ đó đưa sản xuất vào quy hoạch, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.

Hằng năm, để nâng cao kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, các đơn vị (như Trung tâm Khuyến ngư tỉnh, Chi cục NTTS) đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, khuyến cáo áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… giúp người nuôi thủy sản giảm được rủi ro, tăng giá trị sản phẩm. Nhiều giống mới, mô hình hiệu quả cũng được khuyến khích áp dụng tại địa phương, như: nuôi tôm trong nhà kín, mô hình nuôi cá đối mục…, giúp người nuôi đa dạng đối tượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, thân thiện môi trường.

Công tác quản lý vật tư đầu vào phục vụ nuôi trồng thủy sản cũng được quan tâm thực hiện, như: kiểm tra cơ sở nuôi trồng thủy sản, thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, con giống… Cùng đó, thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với một số đơn vị NTTS về việc chấp hành các quy định của Nhà nước đối với hoạt động NTTS; trong đó có công tác tuân thủ quy hoạch, bảo vệ môi trường.

Ngành thủy sản tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủy sản, như mực Cô Tô, tôm thẻ chân trắng Móng Cái… Từ đó, thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nâng cao tính cạnh tranh và bền vững cho sản phẩm thủy sản, đã và đang là thế mạnh của ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh.

Quốc Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!