Phát triển nông nghiệp hiện đại: Dấu ấn khoa học công nghệ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong tương lai không xa, khoa học và công nghệ sẽ đóng góp hơn 50% tổng mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Do vậy, việc huy động tài nguyên đầu tư công nghệ cao phục vụ sự phát triển của ngành là điều hết sức cần thiết.

Phát huy vai trò then chốt 

Việt Nam từ một nước thiếu lương thực, giờ đây xuất khẩu nông sản đứng thứ 15 thế giới. Đáng chú ý khép lại năm 2022, ngành thủy sản (nhóm hàng chủ lực của ngành nông nghiệp) lập kỷ lục khi trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu thủy sản đứng đầu thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy) với 11 tỷ USD. Sản lượng thủy sản 9 tháng năm nay đạt 6.796,7 nghìn tấn; tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, những tháng cuối năm, thị trường tiêu thụ nông sản thế giới sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, tạo cơ hội cho nhiều ngành hàng gia tăng kim ngạch xuất khẩu. 

Khu nuôi hàu Thái Bình Dương bản địa tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: BIM

Để có được những thành công này, phải kể đến vai trò to lớn của khoa học công nghệ (KHCN), khi đóng góp khoảng 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp. Chỉ tính riêng trong 3 năm qua, Bộ NN&PTNT đã công nhận 36 tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Tại Diễn đàn khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững; do Bộ NN&PTNT hợp tác với Bộ Nông nghiệp Mỹ và Hiệp hội CropLife châu Á tổ chức; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, chính nhờ KHCN mà tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp luôn duy trì ở mức cao, góp phần đảm bảo mức tăng trưởng chung của cả nước. KHCN tiếp tục là then chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới. Để trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch – trách nhiệm – bền vững, Việt Nam sẽ thực hiện chuyển đổi hệ thống lương, thực thực phẩm theo hướng “xanh”, ít phát thải; thúc đẩy phát triển và ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp và nhân rộng mô hình hợp tác công tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các chuỗi giá trị nông nghiệp. 

Về các mô hình sản xuất hiệu quả trong thời gian gần đây, TS Mai Nguyệt Lan, Viện lúa ĐBSCL nêu dẫn chứng về dự án lúa – tôm tại ĐBSCL. Đây không đơn giản là mô hình “thuận thiên”, mà còn là mô hình sản xuất “thông minh” khi góp phần giải quyết nhiều vấn đề của xã hội, môi trường liên quan trực tiếp đến phát triển bền vững. Dễ thấy nhất đó là làm giảm sự tác động xấu đến môi trường do chính quá trình sản xuất tạo ra. Với những lợi ích thiết thực đó, trong nhiều năm qua, các tổ chức quốc tế đã chọn mô hình lúa – tôm để đầu tư, khuyến khích nhân rộng trong cộng đồng, nhằm hướng đến mục tiêu xanh hóa sản xuất. Tuy nhiên, theo TS Lan để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả thì rất cần một cuộc cách mạng về KHCN. 

Tích cực chuyển đổi, hội nhập 

Liên quan đến vấn đề hợp tác quốc tế để đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong nông nghiệp, ông Ralph Bean, Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết, Việt Nam nhập khẩu rất nhiều sản phẩm nông sản của Mỹ và Mỹ cũng lại là thị trường lớn nhất nhập khẩu sản phẩm nông sản của Việt Nam, trong đó có cá tra, cá basa được đánh giá chất lượng tốt. Phía Mỹ rất vui khi hợp tác với Bộ NN&PTNT và các cơ quan của Việt Nam để giới thiệu một số công nghệ sinh học trong nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả của ngành, giảm khí thải nhà kính và giảm chi phí sản xuất. 

Riêng trong lĩnh vực thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong nuôi trồng, cần tăng cường hoạt động phổ biến thông tin KHCN cũng như tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận các thành quả nghiên cứu KHCN vào lĩnh vực thủy sản; đồng thời, cần nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong lựa chọn con giống, công tác nghiên cứu dịch bệnh thủy sản. 

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ rõ: KHCN và đổi mới sáng tạo là nền tảng phát triển nông nghiệp nhanh, bền vững, hiệu quả. Theo đó, nước ta sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng KHCN tiên tiến góp phần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng; chuyển mạnh từ dư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo; cập nhật trao đổi thông tin và xu hướng phát triển; kiến nghị những chính sách, cách thức tiếp cận phù hợp để ứng dụng KHCN, giúp phát triển nền nông nghiệp bền vững, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

ÔNG PHÙNG ĐỨC TIẾN, THỨ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT 

Ngành thủy sản đã đạt được những kết quả tích cực, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua ở mức 4 - 5%, chiếm 28,7% trong tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp. Tính đến hết tháng 9/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,67 tỷ USD. Đạt được những kết quả khả quan như vậy, có sự đóng góp rất lớn của KHCN. Trước bối cảnh khó khăn nhưng ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, lợi thế, nên rất cần tinh thần đam mê nghề nghiệp, quyết tâm, quyết liệt và kiên trì của các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp, để đóng góp ngày càng nhiều hơn về KHCN, đưa ngành thủy sản phát triển bền vững. 

TS NGUYỄN GIANG THU, PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG, BỘ NN&PTNT 

Nông nghiệp Việt Nam phát triển khá toàn diện, theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất và chất lượng cao; các sản phẩm khác như thủy sản, rau, hoa màu, trái cây đa dạng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nông nghiệp đóng vai trò lớn trong nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo. Trong đó KHCN là động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Nhờ những đóng góp của KHCN mà tốc độ tăng trưởng của ngành giai đoạn 2013 - 2020 tương đối bền vững, ổn định theo chiều hướng tích cực. Để nông nghiệp phát triển cần áp dụng KHCN trong canh tác phù hợp, giảm phát thải với từng vùng sinh thái, ưu tiên thủy lợi, thủy sản, sử dụng các biện pháp dinh dưỡng phù hợp, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, hoàn thiện hệ thống chính sách, tập huấn nâng cao trình độ, tăng cường hợp tác quốc tế. 

TS TRẦN QUÝ, VIỆN TRƯỞNG VIỆN PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ VIỆT NAM 

Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển nông nghiệp bền vững. Công nghệ số đang tạo ra cơ hội to lớn cho phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, còn rất nhiều thách thức phải vượt qua và cần có sự đổi mới trong chính sách, đào tạo và tư vấn để khai thác hết tiềm năng của công nghệ này. Cần thay đổi tư duy, chuyển đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang chuỗi liên kết giá trị; chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; chuyển đổi nền sản xuất nông nghiệp sang nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, chất lượng cao, bền vững. 

Vân Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!