“Sản xuất xanh” trong nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hiện nay trình độ kỹ thuật, công nghệ được ứng dụng để phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao ngày càng nhiều. Tuy nhiên, điều này khiến môi trường để con tôm phát triển ngày càng đi xuống. Do đó, rất cần những giải pháp để cải thiện môi trường, hướng đến “sản xuất xanh” trong nuôi tôm.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung Tâm Khuyến nông Quốc gia 

Trong giai đoạn hiện nay, biến đổi khí hậu đang gây nhiều khó khăn cho người nuôi tôm, nhất là khu vực miền Trung. Để phát triển nghề nuôi tôm bền vững, hiện nay đã có nhiều giải pháp công nghệ như: Công nghệ nuôi tôm hai, ba giai đoạn, nuôi tôm trong ao đất lót bạt… nên hạn chế được dịch bệnh, tác động từ các yếu tố môi trường. Với quy trình nuôi tôm hai, ba giai đoạn mà Trung tâm đang triển khai, đây là sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Để phát triển, nhân rộng mô hình này thì cần có giải pháp công nghệ cao cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp để đồng hành với người dân, tư vấn trực tiếp cho người nuôi khi xảy ra dịch bệnh nhằm bảo đảm sản xuất. Mục tiêu là hướng đến nghề nuôi tôm không kháng sinh, hướng đến hữu cơ. 

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu 

Tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường, môi trường trong nuôi trồng thủy sản được đánh giá là đang xuống cấp nghiêm trọng, ô nhiễm trên diện rộng và trở thành mối đe dọa tiềm ẩn. Do vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành tài nguyên môi trường tham mưu ban hành quy định về quản lý nuôi, xả thải trong hoạt động nuôi tôm. Hộ nuôi nào chưa có hệ thống xả thải đạt tiêu chuẩn, bắt buộc phải có ao lắng xả thải, xử lý xong mới thải ra môi trường. Những hộ nuôi mới phải có hệ thống xử lý xả thải đảm bảo, được cơ quan chuyên môn thẩm định. Ngoài ra, ngành nông nghiệp được yêu cầu rà soát lại quy hoạch theo hướng vùng nào nuôi tôm công nghệ cao, vùng nào nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến không để xảy ra xung đột với nhau. 

Ông Trình Trung Phi, Phó Tổng giám đốc Kỹ thuật tôm thương phẩm kiêm Cố vấn Nghiên cứu và Phát triển Kỹ thuật tôm giống, Tập đoàn Thủy sản Việt Úc 

Ecuador phát triển mạnh con tôm cũng nhờ có nguồn nước sông lớn, gần 1.900 m³/s đổ ra biển. Vì vậy, nếu ĐBSCL không có nguồn nước sông này thì không thể đáp ứng cho phát triển nuôi tôm được. Do đó, chúng ta cần tận dụng nguồn nước ngọt của sông Cửu Long dẫn về Bạc Liêu, Cà Mau, nhằm bổ sung tạo thành nước lợ để phát triển nuôi tôm là hết sức cần thiết. Mặt khác, việc làm này còn giúp hạn chế tình trạng khoan giếng nước ngầm nuôi tôm, từ đó giúp hạn chế tình trạng sụt lún đất. Chúng ta cũng nên tham khảo cách nuôi của Ecuador, khi họ dành đến 90% diện tích để làm ao nuôi và chỉ nuôi với mật độ 12 – 15 con/m², chỉ có một số hộ nuôi thuộc nhóm dẫn đầu mới nuôi với mật độ 20 – 25 con/m² và gần như không hề thay nước. 

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau 

Việc đầu tư hạ tầng thủy lợi là rất cần trong bối cảnh hiện nay. Trước mắt nên có dự án thí điểm bằng hình thức đối tác công tư (PPP) để đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi một cách đồng bộ, tập trung để những người có nguyện vọng nuôi tôm siêu thâm canh đăng ký vào nuôi. Tuy nhiên, trong bối cảnh hạ tầng thủy lợi còn yếu kém và Nhà nước chưa đầu tư được như mong muốn, người dân và doanh nghiệp có thể áp dụng triệt để việc xử lý nước trong khuôn viên hộ nuôi. Bằng việc thiết kế ao nuôi tốt sẽ giúp hộ nuôi giải quyết được bài toán ô nhiễm trước mắt, đồng thời cũng giúp chính quyền trong bối cảnh nguồn lực có hạn. 

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta 

Bức tranh môi trường nuôi tôm ngày càng ảm đạm, nên muốn phát triển nuôi tôm bền vững cần sớm có giải pháp khắc phục thực trạng này. Riêng Sao Ta, chỉ dành khoảng 20% diện tích để làm ao nuôi, còn lại phần lớn dành cho ao chứa, ao xử lý nước cấp và đặc biệt là một diện tích đáng kể để xử lý nước thải, chất thải, nên nguồn nước đầu ra luôn đảm bảo không ô nhiễm hơn đầu vào. Ngoài ra, Sao Ta cũng sử dụng nguồn vi sinh tự sản xuất để bổ sung vào ao nuôi, giúp xử lý một phần ngay tại ao nuôi trước khi đưa ra xử lý bên ngoài. Với diện tích nuôi tôm hơn 500 ha, Sao Ta đang cố gắng tìm giải pháp tốt hơn nữa để nước đầu ra đạt quy định chung. Ngoài ra, Sao Ta cũng đang xin chủ trương giao đất bãi bồi ven biển để Công ty trồng rừng phòng hộ, nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong nuôi tôm, từng bước tiến tới sản xuất xanh. 

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP RYNAN TECHNOLOGIES Việt Nam 

Cái gốc vấn đề không chỉ ở việc nâng cấp hệ thống hạ tầng thủy lợi, mà phải làm sao nước thải đầu ra sạch hơn nước đầu vào, thì mới bền vững. Chúng ta cứ tiếp tục thải ra, thì dù có làm thủy lợi cỡ nào cũng không phát triển được. Nếu 1.000 trang trại nuôi tôm đều xử lý và tái sử dụng 100% nước thải ra, thì lúc đó sẽ không cần đến hệ thống thủy lợi nữa. Trong khi đó, đối với vấn đề con giống, đang đứng trước thách thức rất lớn về việc nhiễm bệnh vi bào tử trùng do ký sinh trùng Enterocytozoon Hepatopenaei (EHP) gây ra. Nhiều đơn vị cung cấp giống có giấy chứng nhận sạch bệnh do các Chi cục Thú y xác nhận, nhưng đây chỉ là “hình thức”. Để bảo vệ người nông dân nuôi tôm, vốn là đối tượng nghèo, không có điều kiện để kiểm tra con giống, đề nghị các nhà cung cấp giống cần minh bạch hơn, cơ quan kiểm dịch cần trách nhiệm hơn, các nhà khoa học nhập cuộc nhanh hơn và Nhà nước cần giám sát tích cực hơn. 

Ông Lê Anh Xuân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Trúc Anh 

Mô hình nuôi mới theo hướng tuần hoàn nước, hầu như không dùng nước bên ngoài, đã giúp tôm lớn nhanh hơn so với cách nuôi thông thường. Để thực hiện mô hình này, Công ty dành một khoảng nhỏ đất làm nơi gom nước thải về rồi xử lý (lọc qua các lớp lưới và qua một lớp lọc sinh học), bơm nước đã xử lý lần lượt qua các ao lắng được thiết kế theo kiểu zích zắc, nhằm đảm bảo nước được lọc sạch hoàn toàn, trước khi đưa qua ao thứ năm rồi bơm ngược trở lại ao nuôi. Do kiểm soát tốt nguồn ô nhiễm nên cả giai đoạn nuôi tôm từ nhỏ tới trưởng thành không phải sử dụng kháng sinh cho tôm, cũng không tốn tiền mua hóa chất xử lý nước nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Không dùng kháng sinh nên các bệnh trắng gan, trống ruột, mất tụy trên con tôm đều không có. Mô hình nuôi này cũng chỉ thay nước chưa tới 5% mỗi ngày, thay vì phải thay 20 – 30% nước như cách thông thường. 

Ông Dương Quốc Khánh, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh 

Khu vực Đồng Ghè, xã Thạch Hạ chỉ có một mương vừa lấy nước cấp vào ao nuôi vừa xả nước thải sau khi nuôi ra môi trường, nên nguy cơ dịch bệnh gây hại cho con tôm rất cao. Do đó, tôi cùng các hộ khác đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước. Mô hình có ưu điểm là tiết kiệm nước, tỷ lệ tôm sống cao, đạt trên 85%, có thể nuôi nhiều vụ trong năm (2 – 3 vụ), năng suất cao gấp nhiều lần nuôi bình thường, chất lượng tôm nuôi được đảm bảo và quan trọng không gây ô nhiễm môi trường nhờ xử lý triệt để phân, tạp chất, vi khuẩn trong nước. Việc đầu tư hệ thống tuần hoàn nước sử dụng chế phẩm vi sinh sẽ loại bỏ được hết vật chủ trung gian gây bệnh cho tôm và quan trọng, người nuôi chủ động điều chỉnh được các thông số kỹ thuật về nguồn nước nên hạn chế việc sử dụng kháng sinh trên con tôm, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Với diện tích tích 5.000 m²,, thả nuôi mật độ 150 con/ m²,, tôm phát triển đạt kích cỡ 38 – 40 con/kg, năng suất đạt hơn 10 tấn. Với giá bán 165.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mô hình này thu lãi hơn 600 triệu đồng. 

Ông Lê Minh Chính, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa 

Công nghệ Semi biofloc hiện không còn mới. Tuy nhiên công nghệ này trong nuôi tôm mang lại nhiều lợi ích giúp làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo. Còn biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đối tượng nuôi, ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh. Vì vậy, tôm nuôi mau lớn, kiểm soát được dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện nuôi tôm kiểu truyền thống rủi ro cao bởi dịch bệnh, trong đó dịch bệnh đang bùng phát nặng nhất là bệnh EHP (vi bào tử trùng), với cách nuôi của người dân khó kiểm soát được. Khi mình chuyển sang nuôi tôm theo công nghệ kết hợp 3 giai đoạn, đã giúp kiểm soát hết mầm bệnh từ khi thả con giống cho đến thu hoạch. Nuôi tôm 3 giai đoạn giúp giảm chi phí thức ăn và tiền điện cũng như kiểm soát được mầm bệnh từ lúc thả con giống, nếu có rủi ro xảy ra có thể hủy bỏ sớm để tránh thiệt hại nặng. Để áp dụng mô hình này, tất cả ao thả nuôi của tôi đều lót bạt, kết hợp hệ thống xiphong tự động, hệ thống sục khí, máy cho ăn tự động, máy phát điện. Ngoài hệ thống công trình ao nuôi, tôi còn đầu tư các khu nuôi cấy vi sinh dùng hỗn hợp men vi sinh ủ với mật rỉ đường… tạo biofloc trong thùng phuy để đưa xuống ao nuôi theo định kỳ. 

Nuôi tôm công nghệ cao cần gắn liền với bảo vệ môi trường. Ảnh: Thanh Nga

Diệu An

(Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!