Sao lại quên láng giềng gần?

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ hướng đến những thị trường xa, luôn đòi hỏi khắt khe chất lượng, mà bỏ quên thị trường dễ tính bên ngay cạnh mình – Campuchia.

Bắt đầu rộng mở

Thời gian qua, nhiều mặt hàng thủy sản tươi sống như tôm, cá điêu hồng, cá lóc, cá rô, cá trê… của Việt Nam được thương lái đưa sang Campuchia tiêu thụ. Cùng đó, những sản phẩm thủy sản dạng khô, dạng mắm cũng đang hút hàng ở thị trường này. 

Số mặt hàng thủy sản tươi sống xuất sang Campuchia đang có sự tăng trưởng đột biến; một phần, đây là những mặt hàng thủy sảnViệt Nam đang nắm giữ công nghệ sản xuất giống và nuôi trồng nên có thể cung cấp số lượng lớn, giá phù hợp túi tiền của người dân bản địa;một phần để đáp ứng cho du khách Việt Nam đến đây.

Theo một số công ty du lịch, những năm qua, du lịch Campuchia thu hút lượng khách quốc tế đáng kể; cứ 5 du khách quốc tế đến Campuchia có 1 người Việt Nam. Để phục vụ khách du lịch Việt Nam, nhiều công ty lữ hành thường đặt các nhà hàng ở Campuchia chế biến những món ăn hợp khẩu vị người Việt.

 

Nhiều mặt hàng thủy sản tươi sống được xuất khẩu sang Campuchia – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Trao đổi của cư dân qua biên giới bao gồm hàng hóa xuất nhập khẩu biên giới (hàng tiểu ngạch), hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới, hàng hóa đưa vào chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Điều này đã tạo được giao thương giữa các nước có chung biên giới như Việt Nam và Campuchia. Vì thế, những gì đang diễn ra ở các cửa khẩu biên giới tỉnh An Giang đa phần theo hướng tiểu ngạch. Đây cũng là một xu hướng kinh doanh phổ biến của doanh nghiệp với những quốc gia có chung biên giới như Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch, hàng xuất khẩu tiểu ngạch thủy sản Việt Nam sang Campuchia đang được người dân nước này ưa chuộng.

 

Do doanh nghiệp tự quyết

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2014, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang Campuchia 15,8 triệu USD, thấp nhất trong 5 năm lại đây. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản cao nhất là năm 2013 với 22,7 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, trong tháng 1/2015, kim ngạch xuất khẩu sang Campuchia đạt 1,4 triệu đô la Mỹ, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ có 975 triệu USD, tức kim ngạch xuất khẩu quý I sang Campuchia đã tăng 43,5% so cùng kỳ năm ngoái.

Đây có thể xem là tín hiệu vui doanh nghiệp thủy sản xuất sang thị trường này. Theo dõi số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan từ năm 2010 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu năm nào cao thì tháng đầu tiên đều khả quan. Nếu căn cứ trên số liệu thống kê này, có thể có cái nhìn lạc quan hơn cho mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Campuchia trong cả năm nay hoặc chí ít thị trường này đang có nhu cầu nhập khẩu nhiều hơn thủy sản từ Việt Nam.

Vấn đề còn lại, doanh nghiệp thủy sản có nhanh nhạy với xu hướng thị trường hay không, tất cả đều phụ thuộc tầm nhìn, quyết tâm của doanh nghiệp.

>> Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năm 2015, tăng trưởng của Campuchia khoảng 7,3%, cao hơn Việt Nam. Kinh tế nước này phát triển, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu cũng tăng, trong đó có thủy sản.

Ngọc Hùng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!