Song hành cùng ngư dân, doanh nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19 gây bất lợi trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, song Hội Nghề cá Việt Nam vẫn tích cực trong nhiều hoạt động thể hiện tốt vai trò, vị thế của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của hội viên, doanh nghiệp; hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho nông dân, ngư dân.

Kết quả đáng ghi nhận

Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù gặp khó khăn với đại dịch COVID-19, nhưng Hội Nghề cá Việt Nam cùng các cấp Hội đã có nhiều hoạt động, chủ động phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị chức năng góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hội viên và những người lao động thủy sản, góp phần thực hiện các nhiệm vụ của ngành thủy sản và đẩy mạnh các hoạt động của Hội. Tổ chức của Hội tiếp tục được củng cố, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để có kết quả thiết thực hơn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, hội viên và ngư dân, nông dân.

Hội đã kịp thời lên tiếng phản đối các hành vi của nước ngoài xâm phạm đến các quyền và lợi ích của ngư dân và của đất nước trên Biển Đông, phản đối Trung Quốc đơn phương ban hành Quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ 1/5 – 16/8/2021, trong đó có vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; kiến nghị cơ quan chức năng Việt Nam, các tỉnh, thành tăng cường hỗ trợ cho ngư dân khai thác trên biển. Lãnh đạo Hội đã có nhiều buổi trả lời phỏng vấn trên báo, đài trong nước và quốc tế. Từ những văn bản phản đối của Hội Nghề cá Việt Nam, Bộ Ngoại giao cũng đã lên tiếng phản đối phía Trung Quốc về hành động trên. Cùng đó là nhiều văn bản gửi Bộ NN&PTNT, cơ quan chức năng kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, khai thác, xuất khẩu thủy sản…

Hội Nghề cá Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên và doanh nghiệp. Ảnh: TTX

Hội Nghề cá Bắc Ninh đã kịp thời động viên khí thế thi đua trong năm nhận cờ thi đua của UBND tỉnh đến từng Chi hội, Hội viên, tiếp tục củng cố Chi hội vững mạnh, biến quyết tâm thành hành động. Tổ chức phong trào thi đua “Nuôi cá giỏi”: “Chi hội Nuôi cá giỏi, đạt 300 triệu đồng/ha/năm”, “Hội viên nuôi cá giỏi, đạt 400 triệu đồng/ha/năm”. 100% Chi hội đăng ký hoàn thành trong tháng 3/2021. Hội đã thành lập 2 Chi hội tập thể, đưa tổng số toàn tỉnh Hội lên 61 Chi hội với 945 hội viên.

Theo bà Bùi Thị Anh Vân, Chủ tịch Hội Thủy sản Ninh Thuận, 6 tháng đầu năm, Hội không thành lập thêm tổ chức hội cơ sở nào, chủ yếu duy trì hoạt động của các tổ chức hội cơ sở đã thành lập. Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ban Chấp hành tỉnh Hội không tổ chức họp trực tiếp mà trực tuyến qua mạng, các ủy viên phụ trách mỗi khu vực cơ bản vẫn nắm bắt được tâm tư nguyện vọng, khó khăn thiệt hại của hội viên, kịp thời phản ánh tới thường trực Hội để tổng hợp kiến nghị xử lý phù hợp.

Hay như Hiệp hội Thủy sản Vĩnh Long, 6 tháng đầu năm, Hội đã thông tin các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Nhà nước đến các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực thủy sản kịp thời. Hoạt động sản xuất ổn định, nhu cầu tiêu thụ và giá trị sản phẩm các loài thủy đặc sản gia tăng, người nuôi có lãi khá nên mở rộng diện tích nuôi.

Khó khăn không nhỏ

Theo Hội Nghề cá Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhiều doanh nghiệp hội viên, ngư dân sản xuất kinh doanh khó khăn. Một số Tỉnh hội hoạt động giảm sút do sự sát nhập đầu mối tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở cấp tỉnh và cơ chế hoạt động ít có sự hỗ trợ, ưu tiên. Mối quan hệ giữa Trung ương Hội với một số hội thành viên và hội viên tập thể chưa gắn kết thường xuyên, trao đổi thông tin không đầy đủ và thiếu kịp thời. Bên cạnh đó, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất và kinh phí để các tổ chức Hội hoạt động từ trung ương đến các địa phương đều gặp nhiều khó khăn trong cơ chế tự cân đối thu chi. Các chương trình, dự án của Hội có giảm sút…

Theo ông Liêu Cầm Hiền, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Vĩnh Long, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới do đó có tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất các sản phẩm thủy sản xuất khẩu như cá tra do hoạt động vận chuyển bị gián đoạn. Đối với các sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa thì nhu cầu tiêu thụ cũng giảm thấp, do đó tình hình sản xuất thủy sản của tỉnh thời gian qua đều trong tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc thua lỗ. Trong khi, tỉnh không có doanh nghiệp thủy sản đủ mạnh để làm đầu tàu, tiên phong đầu tư tạo bước đột phá phát triển cho ngành.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản và Làm vườn Trà Vinh Nguyễn Hùng Mận thông tin, 6 tháng đầu năm, nhiều hoạt động của Hội chưa được thực hiện theo đúng kế hoạch. Các HTX trong hoạt động thu mua và tiêu thụ hàng nông sản cho thành viên rất hạn chế, chưa liên kết chặt chẽ giữa thành viên với HTX, giữa HTX và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, người dân gặp nhiều khó khăn.

Còn tại Phú Yên, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Nguyễn Tri Phương cho biết, tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Phú Yên còn nhiều dư địa, nhưng Hội chưa có nhiều hình thức hỗ trợ hội viên phù hợp phát huy tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế thủy sản. Công tác phối hợp giữa Hội nghề cá với các Ban, ngành, hội của tỉnh trong tuyên truyền, phổ biến, vận dụng các cơ chế, chính sách giúp Hội viên phát triển kinh tế chưa nổi bật…

Kiến nghị giải pháp gỡ khó

Để khắc phục những khó khăn, 6 tháng cuối năm, phương hướng hoạt động mà Hội Nghề cá Việt Nam đặt ra sẽ tiếp tục củng cố tổ chức Hội; Bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên và ngư – nông dân; Tham gia thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch ngành thủy sản năm 2021; Tham gia các chương trình, dự án, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và mở rộng hợp tác quốc tế… Bên cạnh đó, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ NN&PTNT tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất đối với các chủ tàu cá, hộ nuôi trồng, doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ sản xuất thủy sản bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT tăng nguồn vốn đầu tư cho phát triển thủy sản, nhất là đầu tư cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá (như cảng cá, khu neo đậu tàu cá), hạ tầng NTTS (như hệ thống điện, thủy lợi); điều tra đánh giá đúng khả năng nguồn lợi hải sản các vùng biển và hoàn thiện công tác dự báo ngư trường khai thác hải sản. Kiến nghị các Bộ, ngành hữu quan tăng cường hơn nữa lực lượng chấp pháp trên biển nhằm hỗ trợ và bảo vệ an toàn cho ngư dân hoạt động trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam; tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản để hỗ trợ và thực hiện tốt quy định chống khai thác IUU.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!