Mới đây, tại nhiều huyện như Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc… của tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xảy ra tình trạng hàng trăm hồ tôm đang thời kỳ phát triển bỗng dưng chết trắng.
Tại xã Điền Hương (huyện Phong Điền) diện tích tôm bị thiệt hại lên đến gần 90%. Những ngày cuối tháng 5, dù là cao điểm vụ nuôi nhưng nhiều hồ nuôi bị bỏ hoang. Trong khi đó ở thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền), tính đến ngày 27/5, có 70/100 hồ (49 ha) bị thiệt hại do bệnh đốm trắng và môi trường, nhiều hộ nuôi trắng tay. Diện tích còn lại tôm cũng có biểu hiện dịch bệnh.
Được biết, đa phần các hộ nuôi tôm trên cát hiện nay đều không có bể lắng, nên thường lấy nguồn nước biển, bơm trực tiếp vào ao nuôi, hoặc xả trực tiếp ra biển mà không qua xử lý theo quy định. Hạ tầng nuôi chưa đảm bảo, người nuôi tôm giấu dịch.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thừa Thiên – Huế cho biết: Dịch bệnh trên tôm thời điểm này qua kiểm tra chủ yếu là bệnh đốm trắng và môi trường do thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa. Nguyên nhân, nhiều vùng nuôi người dân chủ quan khi đưa nước vào ao không qua ao lắng, xử lý làm các chỉ tiêu, nguồn nước thay đổi đột ngột, gây “sốc” cho tôm. Trước tình hình dịch bệnh tôm diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan, phát tán trên diện rộng, cuối tháng 5/2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao cho Bộ NN&PTNT, hỗ trợ 20 tấn hóa chất Chlorine từ nguồn dự trữ quốc gia cho Thừa Thiên – Huế để xử lý dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.