Thủy sản Hà Nội nhiễm độc nặng

Chưa có đánh giá về bài viết

Diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội là hơn 17 nghìn ha, tập trung chủ yếu tại Hồ Tây, Yên Sở, khu vực phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), xã Đại Áng và Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì)… Mỗi năm sản lượng thủy sản đánh bắt đạt 3 tấn/ha, đáp ứng 25 – 30% nhu cầu của người tiêu dùng thành phố.

Mỗi năm sản lượng đánh bắt của Hà Nội đạt 3 tấn/ha – Ảnh: Vũ Kiên

Tuy nhiên, điều đáng nói là các ao hồ này đều ô nhiễm nặng dẫn đến các thủy sản đánh bắt ở đây bị nhiễm kim loại. Các nhà khoa học thuộc  ĐH Y Hà Nội cho biết, trong tổng số 240 mẫu thủy sản gồm: cá chim, cá trôi, cá trắm, cá mè, trai, cua, ốc, rô phi lấy từ 16 hồ trên địa bàn Hà Nội thì hầu hết đều nhiễm chì, thủy ngân, Asenic, Nikel, Chrome… Trong đó nhiễm độc chì nặng nhất là ốc, cua, trai… do sống ở tầng đáy với nhiều lớp bùn đọng “ngấm” kim loại nặng, chỉ có 25% mẫu nghiên cứu đạt tiêu chuẩn. Còn lại cao gấp 150 – 250% tiêu chuẩn cho phép; Riêng cua thì 100% mẫu không đạt chuẩn.

Cũng theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tại 120 hồ ao, đầm, thủy vực tại 6 quận trung tâm gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa… chỉ có 6 hồ đạt tiêu chuẩn cho phép, còn lại ô nhiễm nặng. Để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thành phố Hà Nội; Theo đó, Chi cục sẽ triển khai ngay việc phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản lấy mẫu giám sát thủy sản, sản phẩm thủy sản được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội gửi Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia để kiểm nghiệm các chỉ tiêu kim loại nặng (chì, thủy ngân, asen, cadimi) nhằm xác minh thông tin, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!