Thủy sản lận đận vào siêu thị

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ nhiều năm nay, siêu thị, cửa hàng tiện lợi luôn được coi là kênh phân phối trong nước luôn được coi là tiềm năng của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, đặc biệt là với các sản phẩm qua chế biến. Thế nhưng, để sản phẩm có mặt tại siêu thị lại không hề dễ.

Chiết khấu liên tục tăng

Thành phố Vũng Tàu có nhiều cơ sở, công ty sản xuất thủy sản được nhiều người biết. Tuy nhiên, bao năm nay, nhiều mặt hàng thủy sản qua chế biến tại TP Vũng Tàu chỉ chủ yếu bán cho du khách, rất ít thấy có trong siêu thị ở TP Hồ Chí Minh.

Bà L.H.P, chủ một cơ sở sản xuất thủy sản qua chế biến ở Vũng Tàu cho biết, rất muốn sản phẩm của mình có mặt tại siêu thị ở ngoài tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhưng lực bất tòng tâm. Bà P từng phải chạy ngược chạy xuôi làm thủ tục  đưa hàng vào bày bán tại siêu thị ở TP Hồ Chí Minh; sau nhiều tuần, tưởng êm xuôi, nhưng đùng cái, bên phân phối đưa ra thông báo, phía cơ sở phải nâng mức chiết khấu, nếu muốn được việc. Phía phân phối giải thích, đã có một số cơ sở chấp nhận trả chiết khấu cao để hàng của họ được bày trong siêu thị; nếu bà P muốn được vậy thì phải trả chiết khấu 32%, thay vì 25% như thỏa thuận ban đầu.

Chưa dừng ở đó, theo biên bản làm việc hai bên, nếu trong 3 tháng sản phẩm không bán được nhiều, siêu thị có quyền từ chối hợp đồng để nhường lại cho sản phẩm của doanh nghiệp khác. Vì thế, sau khi cân nhắc kỹ, bà P đã chủ động không tham gia nữa và chuyển sang hướng tiếp thị bán hàng ít tốn kém hơn.

“Với chiết khấu trên 30% cho mỗi sản phẩm, những cơ sở, công ty sản xuất thực phẩm rất khó làm được, vì như vậy phải nâng giá hoặc giữ nguyên giá, đồng thời giảm chất lượng. Chúng tôi có truyền thống lâu nay nên không thể làm theo một trong hai cách này; vì thế, để tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng tôi sẽ đi theo cách khác tiếp thị bàn hàng ít tốn kém hơn” – bà P nói.

Thủy sản lận đận vào siêu thị

Nhiều sản phẩm thủy sản qua chế biến chỉ được doanh nghiệp xuất ra nước ngoài – Ảnh: PTC

Trường hợp như bà P rất nhiều, nếu ai đó đặt câu hỏi với những cơ sở sản xuất thủy sản qua chế biến ở các tỉnh thành, phố hiện nay. Đa phần đó là những cơ sở sản xuất nhỏ, vốn ít. Hiện, chiết khấu tại các hệ thống siêu thị mà bên sản xuất muốn đưa hàng vào ở mức trung bình 20%. Tuy nhiên, tùy những mối quan hệ và sự đánh giá của các hệ thống phân phối mà những bên này đưa ra những mức chiết khấu khác nhau. Thường những sản phẩm mới, chưa có thương hiệu của các cơ sở ở các tỉnh, thành phố thường có mức chiết khấu cao, có khi đến 35%. Mức chiết khấu này làm nản lòng tất cả những ai muốn đưa hàng vào siêu thị.

 

Cơ hội còn nhiều

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM Sài Gòn Food, những năm tới, kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, lối sống và thói quen tiêu dùng của người dân, nhất là ở thành phố, sẽ thay đổi theo hướng tiện lợi nên sẽ sử dụng ngày càng nhiều thực phẩm đóng gói, đông lạnh. Bên cạnh đó, các siêu thị không chỉ được mở rộng ở thành phố lớn mà hoạt động ở hầu khắp các tỉnh thành, phố trong cả nước. Ngoài ra, hệ thống các cửa hàng tiện lợi, nơi chuyên bán thực phẩm tiện lợi dạng đóng gói cũng ngày càng nhiều.

Vì thế, dù có muốn hay không, người tiêu dùng sẽ dần thay đổi cách thức mua bán, tiêu dùng. Do đó, cơ hội để các công ty sản xuất thực phẩm đông lạnh, qua chế biến đóng gói sẽ nhiều hơn.

Ngoài những thuận lợi là xu hướng tiêu dùng, dân số đông, một trong những khó khăn Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Tổng cục Thủy sản) đưa ra là nhiều cơ sở vẫn còn chú trọng sản xuất sản phẩm chất lượng thấp, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; sản phẩm dành cho xuất khẩu có tiêu chuẩn cao, hình thức đẹp hơn tiêu thụ nội địa. Doanh nghiệp vẫn chưa tập trung vào khâu thiết kế bao bì sản phẩm, mẫu mã, cũng như chưa có sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. Chi phí vận chuyển cao cũng là một trong những rào cản sản phẩm thủy sản chế biến đến tận tay người tiêu dùng. Đơn vị này dẫn chứng, cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu của doanh nghiệp bán ra 60.000 đồng/kg nhưng vận chuyển sản phẩm đến thị trường Hà Nội giá bán tại siêu thị 90.000 đồng; một phần do chi phí vận tải, phần khác là do doanh nghiệp tăng lên để bù vào phần chiết khẩu trả cho bên phân phối.

Và một thực tế hiện nay là, tại quầy bán thực phẩm thủy sản qua chế biến của nhiều siêu thị, chủ yếu tập trung sản phẩm của công ty lớn, có thương hiệu; những doanh nghiệp, cơ sở nhỏ chỉ là nhà sản xuất gia công cho nhãn hàng riêng của siêu thị.

>> Theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm liên quan thủy sản của Việt Nam liên tục tăng. Năm 2008, sản lượng thực phẩm liên quan thủy sản tiêu thụ nội địa 140.000 tấn, giá trị gần 3.000 tỷ đồng; năm 2014, con số này gần 180.000 tấn và  hơn 4.838 tỷ đồng.

Tiểu Kiều

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!