Thủy sản Việt Nam: Nâng cao năng lực cạnh tranh

Chưa có đánh giá về bài viết

Thủy sản là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế, tuy nhiên, ngành này vẫn bị đánh giá yếu thế trong cạnh tranh. Để có thể “đảo ngược tình thế” cần có những bước đi và giải pháp phù hợp.

Lợi thế

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong gần 20 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ mức thấp 550 triệu USD năm 1995 đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ qua từng năm với mức tăng trưởng bình quân 15,6%/năm và đạt 7,8 tỷ USD năm 2014. Quá trình tăng trưởng này đã đưa Việt Nam trở thành một trong 5 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, giữ vai trò chủ đạo cung cấp nguồn thủy sản toàn cầu.

Cùng đó,trong lĩnh vực nuôi trồng cũng ghi nhận những triển vọng khi có rất nhiều đối tượng mới được đưa vào sản xuất, diện tích và sản lượng có sự tăng trưởng; nhiều công nghệ tiên tiến áp dụng tạo sản phẩm giá trị, chất lượng cao. Trong 10 năm qua, ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam không ngừng phát triển và đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Vốn là một ngành kinh tế truyền thống, chế biến thủy sản đã nắm bắt nhanh xu hướng hội nhập, khai thác hiệu quả các lợi thế cạnh tranh và dần khẳng định là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, có sự phát triển khởi sắc; đem lại cơ hội lớn cho các ngành nuôi trồng và khai thác. Nhờ có chế biến, nuôi trồng và khai thác đã được tăng thêm giá trị, tăng khả năng tiêu thụ trên các thị trường nước ngoài, biến hai lĩnh vực này trở thành ngành sản xuất hàng hóa có giá trị sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn.

Dự báo tiêu thụ thủy sản nội địa giai đoạn 2010 – 2020

dự báo tiêu thụ thủy sản nội địa

Nguồn: Tổng cục Thống kê


Trở ngại

Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu của thủy sản Việt Nam đạt mức cao nhưng chủ yếu dựa vào khai thác lợi thế về chi phí và thị trường mới nhưng đây không phải là giải pháp mang tính bền vững. Theo đó, thủy sản Việt Nam cần có khả năng nâng cao chất lượng để vượt qua các rào cản kỹ thuật; đồng thời, sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng đa dạng thị trường; qua đó tăng cường khả năng chinh phục ngay thị trường nội địa.

chế biến tôm xuất khẩu

Việt Nam là một trong 5 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Không chỉ vấn đề nhập khẩu, chia sẻ những trăn trở về việc tìm đầu ra cho nông – thủy sản Việt Nam của ông Nguyễn Tuấn Hải, Giám đốc Dự án hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Phần Lan và Bắc Âu (Dự án FLC 14-04) đã thu hút sự chú ý của doanh nghiệp. Theo ông Hải, Phần Lan nói riêng và các nước Bắc Âu nói chung có thị trường không lớn, nhưng yêu cầu các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng rất khắt khe. Tuy nhiên, đây lại là khu vực rất đáng kể để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nghiên cứu thâm nhập. Khi đã chiếm lĩnh được thị trường này, hiệu quả chắc chắn sẽ không nhỏ với lý do là mùa đông tại khu vực này kéo dài nên nhu cầu về hàng nông, thủy sản rất lớn.

Mặt khác, chính sách của Nhà nước đã có nhiều thay đổi nhằm tạo cơ hội và điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, nhưng việc tái cơ cấu, cải cách thủ tục hành chính cần thời gian. Đây chính là những rào cản không nhỏ đang giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại các thị trường nhập khẩu lớn. Cùng đó, ngành thủy sản cần lực lượng lao động lớn; nhưng, vì thực trạng lao động ngành thủy sản không ổn định, các quy định chặt chẽ về lao động từ FTA sẽ tăng thêm thách thức cho doanh nghiệp chế biến thủy sản. Vấn đề an toàn lao động, tiền lương, giờ làm việc, vệ sinh lao động, cấm lao động trẻ em, cùng cơ chế giám sát và chế tài đặt ra trong hiệp định này sẽ tạo ra không ít thách thức đối với doanh nghiệp khi tham gia vào các chuỗi cung ứng xuất khẩu, vì nếu vi phạm, có thể bị kiện và bị phạt. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho biết, thị trường năm 2016 có nhiều thuận lợi hơn nhờ các hội nhập thương mại tự do, nhưng cũng đứng trước thách thức lớn khi giá thành sản xuất tôm đang đánh mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt sau khi ngành tôm của Indonesia tăng trưởng mạnh với giá thành cạnh tranh.

 

Lựa chọn giải pháp

Trong dự thảo Chiến lược phát triển thủy sản Việt nam đến năm 2020 cũng xác định: phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lực và khoa học công nghệ để phát triển thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng, tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường; Tổ chức lại sản xuất ngành theo chuỗi giá trị; Phát triển bền vững và thực hiện quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm là hướng phát triển chủ đạo của ngành thủy sản. Kết hợp chặt chẽ kinh tế thủy sản với an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường an ninh xã hội.

Mới đây, Tổng cục Thủy sản cũng bắt đầu triển khai xây dựng Đề án “Giải pháp thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản”; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhận định, Đề án cần tập trung vào ba nhóm nội dung chính. Thứ nhất, cần rà soát, sửa đổi thể chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản để ngành có thể hội nhập tốt hơn; cũng như những yêu cầu của các hiệp định FTA, hợp tác song phương, quy định của các tổ chức quốc tế, quy định phi thuế quan từ các thị trường…

Thứ hai, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế để hỗ trợ, phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh như đào tạo nguồn nhân lực, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật. Theo đó, ưu tiên hoàn thiện ký kết thỏa thuận hợp tác nghề cá, đường dây nóng với các nước; hợp tác với những nước có điều kiện giúp đỡ về kỹ thuật như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Cùng đó, tập trung vào thị trường truyền thống, đấu tranh những rào cản bất hợp pháp, tranh thủ thuận lợi của ngành thủy sản để phát triển.

Thứ ba, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia cũng như các giải pháp tìm kiếm thị trường. Coi doanh nghiệp là chiến sĩ trên chiến trường. Bởi, doanh nghiệp là một mắt xích quan trọng trong sự phát triển cũng như tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ của khoa học.

>> TS Bùi Đức Tuân, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng, muốn nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản cần phải phát triển lĩnh vực công nghiệp chế biến; trong đó, tập trung sự hỗ trợ của nhà nước về cơ chế, chính sách; còn phía doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, sản phẩm, tiếp cận với những công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất; gắn phát triển thị trường và khẳng định thương hiệu thủy sản Việt Nam.

Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!