Vấn nạn tôm nhiễm bẩn

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong khi hàng ngày, hàng giờ mọi người đang cùng nhau xây dựng và tạo nguồn thực phẩm sạch thì vẫn có những cá nhân lén lút bơm, chích tạp chất vào tôm lúc tiêu thụ hoặc chế biến. Tình trạng này đã tồn tại từ nhiều năm nay, vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để.

Ghi nhận tại Cà Mau, địa phương vốn là điểm nóng về vấn đề tôm nhiễm tạp chất tại khu vực ĐBSCL, cho thấy, từ đầu năm đến nay đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến tình trạng này. Tuy nhiên, những sự việc phát hiện ra rất nhỏ so với thực tế. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, để qua mặt lực lượng chức năng, những người tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm thường đưa vào các ngõ ngách, vùng sâu, vùng xa, thậm chí là đưa lên phương tiện vận chuyển để thực hiện hành vi gian lận và tổ chức canh gác gắt gao.

bơm tạp chất vào tôm

Tình trạng bơm tạp chất vào tôm ngày càng nghiêm trọng – Ảnh: PTC

Còn tại Bạc Liêu, vấn nạn tôm bẩn cũng làm đau đầu các nhà quản lý, mặc dù địa phương đã có đề án chống bơm tạp chất vào tôm nhưng trong thời buổi gian lận thương mại này, vẫn không thể khắc phục triệt để; theo đó, còn có rất nhiều lô hàng được đưa khỏi địa phương để tiêu thụ.

Không những vậy, những ngày gần đây, tại vùng nuôi tôm ven biển các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng việc thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua tôm nguyên liệu của Việt Nam dưới mọi hình thức, không phân biệt chất lượng đã khiến cho tình trạng bơm tạp chất vào tôm gia tăng. Tôm được chế biến đơn giản, sau khi phân loại theo kích cỡ, tôm nguyên con (còn đầu, vỏ) hoặc cắt bỏ đầu nhưng còn phần vỏ của thân và đuôi để nguyên, sau đó đông thành block rồi xuất xưởng. Thoạt nhìn qua chuyện mua bán, có cạnh tranh giá cả sẽ có lợi cho người nuôi tôm; tuy nhiên, thương lái Trung Quốc thu mua tôm chỉ cần đúng cỡ, còn lại không yêu cầu kiểm tra kháng sinh, thậm chí thương lái bơm chích tạp chất vào tôm (chủ yếu như rau câu từ bột agar) kể cả sơ chế trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh (nguồn nước)… cũng dễ dàng cho qua. Cách mua dễ dãi này giống như tiếp tay làm ăn gian dối.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, tình trạng bơm tạp chất ngày càng xảy ra nghiêm trọng và những người thực hiện thì chỉ vì lợi nhuận mà quên đi lợi ích chung. Luật pháp nên có biện pháp xử lý mạnh hơn, cho cả người mua bán tạp chất, người tổ chức bơm chích và người thu mua tôm có tạp chất.

>> Ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau (CASEP): Tôm nhiễm bẩn không còn là chuyện của một doanh nghiệp hay cá nhân nào; để phòng chống có hiệu quả, cần sự phối hợp từ ngành chức năng với doanh nghiệp trong cả nước. Đồng thời, phải có những chế tài xử lý mạnh các sai phạm.

Bảo Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!