Xây dựng mô hình “lúa thơm – cá sạch”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – “Nếu như một số tỉnh ở ĐBSCL nuôi tôm – lúa (mô hình thông minh nhất hiện nay), đang xây dựng khẩu hiệu “lúa thơm – tôm sạch” thì ở miền Bắc hoàn toàn có thể thực hiện được khẩu hiệu “lúa thơm – cá sạch”, nuôi hữu cơ và tiến tới xây dựng thương hiệu. Đây là mô hình tương lai cần thiết”.

Đây là nhận định của ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại Tọa đàm “Phát triển mô hình nuôi cá – lúa đạt hiệu quả cao và bền vững” vừa được Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia vừa phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày 21/8/2020, tại huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội.

Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Chi cục Thủy sản Hà Nội; Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Đức, đại diện lãnh đạo UBND xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức và hơn 20 nông dân nuôi cá – lúa trên địa bàn Hà Nội.

Tại tọa đàm, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chia sẻ: Thực tế cho thấy các mô hình cá – lúa đã và dang mang lại hiệu quả rất cao cho bà con nông dân. Đây không phải là mô hình mới, tuy nhiên cần tuyên truyền, cụ thể hơn đến người nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần nuôi trồng thủy sản bền vững. Người dân có thể tận dụng ruộng cấy lúa kết hợp nuôi cá. Có 2 hình thức nuôi: xen canh cá – lúa và luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ cá. Nhưng để đạt hiệu quả cao nhất, bà con nên kết hợp vừa xen canh vừa luân canh. Cụ thể như: Vụ chiêm năng suất nhất, ít sâu bệnh cho lúa, nên cấy lúa, sau thả cá chung. Sau khi thu hoạch tiếp tục dâng nước để thả bổ sung các loại cá khác.

Mô hình cá – lúa có nhiều ưu điểm: Nuôi cá có kết hợp cấy lúa, năng suất lúa sẽ cao hơn so với ruộng không nuôi cá: Khi nuôi cá ở ruộng lúa, cá sục bùn tìm mồi ở đáy ruộng diệt cỏ dại, côn trùng, sâu bệnh hại lúa, đồng thời phân cá thải ra làm đất giàu dinh dưỡng. Vì vậy năng suất lúa sẽ tăng. Ở ruộng nuôi cá kết hợp với cấy lúa, người ta rất hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, nên giảm được công lao động và hạ giá thành sản phẩm. Trồng lúa có trục xạ đất, bón phân làm tăng thêm thức ăn cho cá, đồng thời lúa rụng củng làm thức ăn tốt cho cá. Vì vậy cá nuôi ở ruộng chủ yếu dựa và thức ăn tự nhiên, nên ít đầu tư thức ăn… Đồng thời, tận dụng được thời gian nhàn rỗi của bà con nông dân trong vụ lúa…

Thông qua việc hỏi – đáp trực tiếp tại tọa đàm, các chuyên gia đã giải đáp thỏa đáng những thắc mắc của bà con nông dân trong quá trình canh tác cá – lúa như: Kỹ thuật thiết kế kênh dẫn nước, ruộng nuôi cá – trồng lúa; Biện pháp phòng, trị bệnh cho cá nuôi trong ruộng lúa; Lưu ý khi nuôi cá – lúa vào mùa mưa bão; Tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong nuôi cá – lúa…

Từ những thông tin về hiệu quả, tiềm năng phát triển mô hình nuôi cá – lúa, cùng thông tin về những chính sách hỗ trợ phát triển mô hình, tọa đàm góp phần giúp bà con nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình nuôi cá – lúa, nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng cho xã hội.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!