T2, 06/07/2020 11:22

Xuất khẩu cá rô phi sẽ thay thế một phần cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Cách đây 10 năm, cá rô phi đã được Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai đề án phát triển để đưa cá rô phi thành mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực, nhưng đến nay cá rô phi chưa được “nhắc đến” trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu. Gần đây, cá rô phi đang là đối tượng nuôi có thị trường tiêu thụ tốt cả trong nước lẫn xuất khẩu.

Từ khi khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra đến nay, nhu cầu tiêu thụ cá rô phi thế giới tăng mạnh do lợi thế giá rẻ. Thấy được cơ hội này, ngay từ năm 2003, cá rô phi đã được Bộ Thủy sản xác định là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực. Định hướng này được cụ thể hóa bằng Đề án Phát triển nuôi cá rô phi giai đoạn 2003 – 2010. Dù vậy đến nay sản lượng cá rô phi không đủ lớn, giá thành sản xuất cao, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, nên phần lớn lượng cá rô phi sản xuất chỉ đủ phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Trong khi đó, từ một nước phải nhập con giống và nhận chuyển giao kỹ thuật nuôi cá rô phi từ Việt Nam và châu Phi thì nay Trung Quốc đã vươn lên thành quốc gia xuất khẩu cá rô phi hàng đầu thế giới với kim ngạch đạt 1,3 tỷ USD/năm.

Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của Chương trình phát triển nuôi cá rô phi, nhưng chủ yếu là việc quản lý đàn cá bố mẹ kém hiệu quả. Trong những năm thập niên 1990, các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản trong nước đã nhập khẩu nhiều dòng cá rô phi chất lượng cao như: rô phi vằn dòng Ai Cập, Thái Lan, Đài Loan, Philippin, cá rô phi dòng GIFT để chọn giống, nuôi thương phẩm.

Tuy nhiên, các giống cá rô phi này chỉ cho năng xuất cao trong giai đoạn đầu rồi từ từ thoái hóa, tỷ lệ chết cao, cá chậm lớn. Để khắc phục điều này, gần đây nhiều nông dân nuôi thủy sản miền Bắc phải mua cá rô phi giống từ Trung Quốc để nuôi thương phẩm, nhưng năng suất vẫn không đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, đến hết tháng 11/2014, diện tích nuôi cá rô phi trong ao, hồ đạt 15.992 ha, nuôi lồng bè đạt 410.732 m3, sản lượng đạt 118.800 tấn. Ước sản lượng nuôi cá rô phi năm 2014 trên cả nước đạt 125.000 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ. Cá rô phi hiện đang là đối tượng nuôi có thị trường tiêu thụ tốt trong nước và xuất khẩu. Gần đây, một số doanh nghiệp tại An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp,… đã xuất khẩu sản phẩm cá rô phi vào thị trường Mỹ và EU mang lại giá trị xuất khẩu cao.

Năm 2015, mục tiêu diện tích thả nuôi cá rô phi cả nước đạt 21.000 ha với sản lượng 140.000 tấn, trong đó sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu 50.000 tấn. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định ngoài 2 sản phẩm cá tra và tôm, Việt Nam phấn đấu đưa cá rô phi trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực với giá trị xuất khẩu 200 – 300 triệu USD vào năm 2015 trong Chương trình xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến 2020. Cá rô phi cũng là một trong những đối tượng chủ lực trong kế hoạch tái cơ cấu ngành thủy sản.

Ông Trần Đình Luân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng (nguyên Vụ trưởng vụ Nuôi trồng Thủy sản – Tổng cục Thủy sản) cho biết, từ năm 2015, cá rô phi sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung phát triển. Kế hoạch phát triển thủy sản theo định hướng tái cơ cấu ngành thủy sản đặt ra mục tiêu phấn đấu sản lượng cá rô phi đến năm 2020 sẽ đạt 150.000 tấn với tốc độ tăng trưởng trung bình 7,9%/năm.

Để chủ động lên kế hoạch sản xuất và cung cấp đủ cá rô phi đảm bảo chất lượng cho người nuôi trong năm 2015, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương tăng cường công tác quản lý chất lượng cá rô phi, xác định nhu cầu cá rô phi giống của địa phương hàng năm để tính toán số lượng đàn cá rô phi bố mẹ cần thiết cho sản xuất. Xác định đàn cá bố mẹ bổ sung hoặc loại bỏ, số lượng cá hậu bị hàng năm nhập về để thay thế cá già cho phù hợp và thống kê tình hình sản xuất và cung ứng cá rô phi tại địa phương.

Thành Công

tiengiang.gov.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!