Xuất khẩu tôm lo trong nước

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong 10 năm qua, xuất khẩu tôm của nước ta tăng trưởng ổn định (trừ năm 2012, giảm do hội chứng tôm chết sớm). Giá trị tôm xuất khẩu luôn chiếm khoảng 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, đến năm 2014, đạt trên 4 tỷ USD. Hiện nay, tôm nước ta đứng thứ 3 thế giới về sản lượng và thứ 4 về kim ngạch xuất khẩu.

Ba thị trường quan trọng nhất của tôm nước ta là Mỹ, Nhật Bản và EU. Ba thị trường này trong năm 2014, chiếm tỷ lệ thứ tự là 27%, 19% và 17% tổng giá trị xuất khẩu tôm. Thế mạnh của nước ta ở thị trường Mỹ là tôm thịt đông lạnh, Nhật Bản là tôm sú cỡ lớn và các sản phẩm giá trị gia tăng, còn EU lại mạnh về tôm chín đông lạnh.

Nhiều cơ hội mới đang mở ra cho tôm xuất khẩu của nước ta. Ngày 5/5/2015, nước ta và Hàn Quốc đã ký Hiệp định Thương mại tự do, cam kết giảm mạnh thuế, tạo lợi thế cạnh tranh cho tôm nước ta. Hiện tôm nước ta vào Hàn Quốc chịu thuế 20%, sẽ được giảm xuống 0% cho hạn ngạch mỗi năm 10.000 tấn và sau đó tăng dần lên 15.000 tấn. Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 5 của tôm xuất khẩu nước ta. Năm 2014, tôm nước ta chiếm 44% thị phần Hàn Quốc.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU cũng sẽ tạo động lực mới cho tôm nước ta. Còn Cộng đồng kinh tế chung ASEAN, một trong 10 thị trường tôm lớn nhất của Việt Nam hiện nay, dự kiến cũng sẽ phát triển đáng kể khi Khối kinh tế ASEAN được thành lập. Thị trường này còn cải thiện nguồn cung cấp tôm nguyên liệu cho chế biến nhờ thuế nhập khẩu bằng không.

Tuy nhiên, giữa các cơ hội thì một thách thức lớn cho tôm nước ta vẫn sừng sững, đó là rào cản kháng sinh. Phải thẳng thắn thừa nhận, tôm xuất khẩu của nước ta còn có nhiều lô hàng bị các thị trường cảnh báo kháng sinh. Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản cho biết số liệu thống kê ở ba thị trường chính. Năm 2013: số lô hàng bị cảnh báo ở Mỹ là 2, Nhật Bản 28 và EU 1. Năm 2014: số lô hàng bị cảnh báo lần lượt là 44, 22 và 26. Trong 4 tháng đầu năm 2015: số lô hàng bị cảnh báo tiếp tục là 25, 7 và 4.

Qua đó có thể thấy, tại thị trường Mỹ và EU, số lô hàng bị cảnh báo các chỉ tiêu về hóa chất kháng sinh năm 2014 lần lượt là 44 và 22, cao hơn rất nhiều so với năm 2013 chỉ 2 và 1. Còn thị trường Nhật Bản, số lô hàng bị cảnh báo các chỉ tiêu về hóa chất kháng sinh năm 2014 có giảm so với năm 2013 nhưng cũng còn cao với 22 lô hàng. Nhận xét của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản: Trong năm 2014, một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm đã mất quyền kiểm soát và cơ quan thẩm quyền các thị trường này cũng tập trung kiểm tra.

Sau khi Bộ NN&PTNT triển khai các biện pháp đồng bộ vào cuối năm 2014, tình hình cảnh báo hóa chất kháng sinh với tôm nước ta tại thị trường EU có giảm trong 4 tháng đầu năm 2015. Tuy nhiên, đầu năm nay tại thị trường Mỹ vẫn còn rất cao so với cả năm 2014. Việc kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong tôm đang đặt ra cấp bách, ở tất cả các cấp quản lý và đương nhiên cả các doanh nghiệp.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!