Quảng Trị: Hiệu quả nuôi cá ở Hướng Hóa

Chưa có đánh giá về bài viết

Đầu năm 2017, khi tham gia mô hình “Nuôi cá truyền thống” do Trạm Khuyến nông huyện Hướng Hóa triển khai, ông Hồ Văn Bông ở thôn Xa Bai (xã Hướng Linh) được hỗ trợ 1.000 con cá giống đảm bảo chất lượng, 100% thức ăn công nghiệp cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.

Nuôi cá nước ngọt truyền thống trên địa bàn 2 xã Hướng Phùng và Hướng Linh

Nhờ vậy, đến nay sau gần 7 tháng thả nuôi, cá đạt cỡ 0,45 – 0,65 kg/con, đặc biệt tỷ lệ hao hụt thấp, ước tỷ lệ sống khoảng 90%. Tương tự, ông Hồ Văn Nam tại thôn Mã Lai (xã Hướng Phùng) cho biết, từ khi được tham gia mô hình nuôi cá của Trạm Khuyến nông huyện, ông được dự tập huấn về cách nuôi cá, hướng dẫn cách cải tạo ao, cách chăm sóc cá, được hỗ trợ hơn 2.000 con cá giống, thức ăn công nghiệp nên cá lớn nhanh.

Trạm Khuyến nông huyện Hướng Hóa đang triển khai 10 mô hình nuôi cá nước ngọt truyền thống trên địa bàn 2 xã Hướng Phùng và Hướng Linh với tổng diện tích hơn 5.000 m2, mật độ thả 2,5 con/m2. Các giống cá thả nuôi chủ yếu là trắm cỏ, mè, chép và cá rô phi. Đây là các đối tượng có thể nuôi theo hình thức nuôi ghép, quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp người dân. Bên cạnh thức ăn công nghiệp còn có thể tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp có sẵn ở địa phương như mối, giun, lá sắn, cỏ, cám gạo… Thực tế kết quả sau gần 7 tháng triển khai, các mô hình được đánh giá là khá thành công, các chỉ tiêu về chất lượng và hiệu quả kinh tế đều đạt và vượt mức yêu cầu đề ra như: tỷ lệ sống từ 88% trở lên, trọng lượng cá trung bình 0,45 – 0,7 kg/con. Với giá bán khoảng 40.000 đồng/kg, bình quân mỗi hộ thực hiện mô hình cũng thu 25 – 30 triệu đồng.

Theo Trạm Khuyến nông huyện Hướng Hóa, đồng bào dân tộc miền núi kinh nghiệm nuôi cá còn nhiều hạn chế, vì vậy việc tuyên truyền, vận động bà con tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật là cực kỳ quan trọng và phải tiến hành thường xuyên theo phương châm “cầm tay chỉ việc”. Ông Phan Ngọc Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng cho biết, điểm vượt trội của mô hình là mang lại thu nhập cao, người dân được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trị bệnh nên cá phát triển nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp. Thời gian thu hoạch 1,5 – 2 năm như trước đây được rút ngắn xuống còn từ 8 tháng đến 1 năm. Thời gian tới, UBND xã sẽ có chủ trương vận động người dân học tập, đào thêm ao nuôi nhằm giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!