Thời tiết “vạ” tôm nuôi?

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo báo cáo tại cuộc họp giao ban nuôi tôm nước lợ mới được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu vừa qua, tính đến giữa tháng 5, đã có 81.413 ha tôm nuôi của 8 tỉnh bị thiệt hại, gấp 4 lần năm ngoái, nhưng xét về giá trị chung thì không thể tính nổi.

Điều đáng bàn, mấy tháng trước đây, khi hạn hán và mặn xâm nhập, nhiều người tính đến phương án dùng tôm “cứu” lúa, tức là nuôi tôm ở những vùng mặn xâm nhập không thể trồng lúa hoặc phương án thả tôm ở những vùng lúa chết vì hạn hán. Nhưng đến nay, nhân định không thắng thiên, bởi sau lúa thì con tôm giờ cũng đang bị chết hàng loạt. 

Tại Cà Mau, qua khảo sát thực tế cho thấy tình trạng tôm chết ở tỉnh này rất nghiêm trọng. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám trong buổi thăm và làm việc với tỉnh này đã đề nghị UBND tỉnh Cà Mau xem xét bổ sung công bố thiên tai đối với tôm (trước đó đã công bố thiên tai đối với lúa) để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho nông dân.

Báo cáo của Sở NN&PTNT Cà Mau cho thấy, hiện diện tích tôm nuôi của tỉnh này bị thiệt hại là 52.467 ha, chiếm khoảng 20% tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh, tổng thiệt hại khoảng 260 tỷ đồng. Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh này nhận định, nếu tình hình không được cải thiện, một hai tháng tới nhiều diện tích nuôi tôm sẽ bị thiếu nước, độ mặn tăng cao hơn nữa thì diện tích tôm chết không dừng lại ở đó, có thể lên đến 100.000 ha.

thời tiết vạ tôm nuôi

Hạn mặn khắc nghiệt, mô hình tôm – lúa cũng thiệt hại nặng – Ảnh: PTC

Sở NN&PTNT Cà Mau đang kêu gọi người dân ngừng thả giống cho đến khi có mưa và rửa mặn, xả phèn, môi trường nuôi phù hợp. Những ao đầm đang nuôi thì bổ sung nước để hạn chế nắng nóng, độ mặn tăng cao đột biến ảnh hưởng đến tôm. Đồng thời điều tra, thống kê thiệt hại về nuôi trồng thủy sản để thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại cho dân.

Tại các tỉnh khác, tình hình cũng không khá hơn, như ở Kiên Giang, thiệt hại mô hình tôm – lúa là 13.776 ha, Bạc Liêu 12.322 ha. Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, nguyên nhân tôm nuôi (chủ yếu là mô hình tôm – lúa và quảng canh) chết là do thời tiết nắng nóng, độ mặn tăng cao. Kết quả khảo sát tại các địa phương cho thấy, độ mặn rất cao, 40 – 60‰, cá biệt có ao tôm độ mặn tới 70‰ khiến tôm nuôi không thể sống được.

Chưa hết khó này, người nuôi tôm lại lo những khó khăn khác. Bởi theo nhận định, sau khi El Nino kết thúc sẽ có La Nina, với những con mưa dầm, nên tôm nuôi dự báo khó thuận lợi.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, một số địa phương trên địa bàn tỉnh tôm chết gần như 100%. Điều đáng nói là thấy tôm chết, người dân tiếp tục thả nuôi, nhưng càng thả càng chết vì mặn trên đầm tôm quá cao. Nhưng đây chưa phải là điểm dừng, bởi với độ mặn trên đất tôm – lúa hiện cao hơn 30‰ thì dù trời mưa cũng khó rửa trôi, nên mùa lúa tới chắc chắn bị ảnh hưởng. Ở Kiên Giang, theo tính toán của Sở NN&PTNT tỉnh này thì hiện có đến 18.000 ha diện tích lúa – tôm không thể trồng lúa được do thiếu hệ thống thủy lợi và độ mặn quá cao.

Đời sống của người dân vùng ĐBSCL đang rất khó khăn. Nắng nóng, khô hạn đã khiến cho người nông dân Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang thiệt hại nặng nề. Nhiều người nóng lòng đã vội vã thả nuôi tôm mong cứu vãn cho cây lúa không thu hoạch được gì, nhưng thiên tai khắc nghiệt đã xóa hết cố gắng của họ. Lúa chết còn đang đợi hỗ trợ thì tôm nuôi lại tiếp tục thiệt hại.

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, khảo sát, đặc biệt chú ý đến đời sống người nông dân ở mô hình lúa – tôm. Bởi họ đã phải chịu thiệt hại “kép”. Cùng đó, cần bám sát địa bàn hơn nữa, không thể để tình trạng tôm chết liên tục mà báo cáo rất ít; cần có dự báo kịp thời, thống nhất lịch thời vụ để nông dân nắm kịp thời sản xuất bù vào số diện tích đã thiệt hại.

Linh Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!