Ương cá giống ở ĐBSCL: Đến lúc “siết” chất lượng, diện tích

Chưa có đánh giá về bài viết

Giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh kéo theo giá cá tra giống tuột dốc không phanh. Trào lưu đào ao ương cá giống đã xuống thấp. Đây là thời điểm tốt nhất để “siết” lại chất lượng con giống và diện tích ương cá.

“Hết sức” đào ao

Những tháng cuối năm 2011, trào lưu nông dân bỏ “mùa vàng” đào ao ương cá tra giống diễn ra rầm rộ ở một số tỉnh (Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ…). Cơ quan chức năng ra sức khuyến cáo sẽ xảy ra tình trạng cung vượt cầu, giá cá sẽ rớt…, nhưng nhiều hộ nông dân vẫn bất chấp.

Nay, đa số hộ nuôi đều lắc đầu ngao ngán. Ông Nguyễn Thành Trung, chủ một hộ ương cá ở Thanh Lộc, Cai Lậy, Tiền Giang nói: “Sau khi trúng đậm liền 2 vụ ươm cá tra giống, tôi mở rộng diện tích ươm cá tra giống lên 20.000m2. Nhưng do giá cá giống liên tục giảm, tôi chỉ dám thả nuôi 1/2 diện tích, số còn lại để trống. Nếu giá cá không tăng lại thì việc lấp ao, trồng lúa khó tránh khỏi”. Tháng 11/2011, giá cá tra giống có lúc lên đến 60.000 – 70.000 đồng/kg; nhiều hộ đua nhau đào ao thả cá. Từ giữa tháng 4/2012, giá cá giống liên tục giảm, hiện chỉ còn 20.000 – 23.000 đồng/kg (loại 25 – 30 con/kg). Với giá này, người nuôi khéo lắm thì huề, không thì 1 kg cá lỗ chí ít cũng 1.000 – 2.000 đồng.

 

Vì lợi ích của người nuôi…

Theo ông Mai Chí Tâm – Chủ nhiệm CLB thủy sản xã Thới Đông (huyện Cờ Đỏ), tỷ lệ cá hao hụt cao và chất lượng cá giống kém, chủ yếu do ép cá bố mẹ đẻ sớm hoặc trễ so với thời vụ.


Nếu giá cá tra giống không tăng lại thì việc lấp ao, trồng lúa sẽ được nhiều hộ nuôi cá tính tới

Trước những vướng mắc trong quản lý, sản xuất giống cá tra hiện nay, nhiều đại biểu dự diễn đàn “Phát triển nuôi cá tra theo hướng VietGAP” cho rằng cần xây dựng lại quy trình sản xuất giống theo hướng an toàn, bền vững hơn, đó là sản xuất theo VietGAP. Số hộ tham gia sản xuất giống quá lớn lại phân bố rải rác ở nhiều nơi, nên chất lượng giống không đồng đều. Trình độ kỹ thuật ươm cá tra giống của nông dân còn hạn chế cũng là nguyên nhân khiến chất lượng giống kém, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế khi đưa vào nuôi cá thịt, vì tỉ lệ hao hụt lớn.

TS Nguyễn Văn Sáng dẫn kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 gần đây cho thấy, trong tổng số 8 tỉnh, chỉ 5 tỉnh có kiểm dịch con giống; 5 – 6 tỉnh có kiểm tra thú y cơ sở sản xuất; 2 tỉnh có tham gia kiểm tra điều kiện vệ sinh và quy trình sản xuất thức ăn, thuốc thú y; 5 – 6 tỉnh có tập huấn quản lý chất lượng, kỹ thuật sản xuất giống. “Chính vì vậy, chất lượng giống cá tra chưa đạt yêu cầu, tỉ lệ hao hụt cao, dễ xảy ra dịch bệnh trong quá trình nuôi” – ông Sáng khẳng định.

Để nâng cao chất lượng cá tra giống, theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ Trần Thanh Hải, trước hết phải quy hoạch và chọn lọc lại đàn cá tra bố mẹ. PGS. TS Dương Nhựt Long (Đại học Cần Thơ) cho rằng, phải truy xuất được nguồn gốc, chất lượng cá giống; phát triển công nghệ nuôi nước (qua đó kiểm soát được chất lượng nước, tạo nguồn thức ăn cho cá tra giống). Đồng thời, cần tăng cường quản lý chất lượng thức ăn, chất lượng nước, để tiến tới nhân giống cá tra theo tiêu chuẩn VietGap.

>> TS Nguyễn Văn Sáng: Toàn vùng ĐBSCL có hơn 150 trại sản xuất cá bột, thu hút hơn 4.440 hộ tham gia, với diện tích khoảng 2.000 ha. Hàng năm, các cơ sở sản xuất, ươm cá tra giống cung cấp cho thị trường gần 16 tỉ con cá bột và gần 2 tỉ con cá giống. Nhu cầu sử dụng giống của vùng ĐBSCL, với khoảng 14 tỉ con cá bột và khoảng 1,8 tỉ con cá tra giống thì với sản lượng cá tra bột và cá tra giống sản xuất ra cơ bản đáp ứng được nhu cầu nuôi trồng…

Hà Anh - Lê Hoàng Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!