T2, 07/08/2023 10:42

Bình Định: Hỗ trợ ngư dân ứng dụng công nghệ nano bảo quản cá ngừ đại dương

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tỉnh Bình Định hiện có 3.200 tàu khai thác xa bờ, trong đó gần 1.300 tàu chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương, sản lượng khai thác hàng năm trên 12.000 tấn. Để nâng cao chất lượng cá ngừ, ngành nông nghiệp tỉnh đã ứng dụng công nghệ nano trong bảo quản cá.

Từ trước đến nay, ngư dân thường dùng đá để bảo quản cá ngừ từ sau khi khai thác cho đến khi đưa vào đất liền tiêu thụ. Cách làm này thường tốn nhiều chi phí và dễ làm giảm chất lượng sản phẩm, dẫn đến giá thành không cao. Trung bình một chuyến đi biển ngư dân mất khoảng 80-100 triệu đồng cho các chi phí như dầu, đá, nước sinh hoạt, nước uống.  

Ngư dân lấy mẫu kiểm tra chất lượng cá. Ảnh – Trung Thành

Nhằm giúp ngư dân nâng cao chất lượng, cải thiện giá bán cá ngừ đại dương, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quy định chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026. Cụ thể, tỉnh trích ngân sách hỗ trợ chủ tàu cá đăng ký tại Bình Định có chiều dài 15 m trở lên ứng dụng công nghệ khí nitơ nano UFB (Ultra Fine Bubble) theo công nghệ Nhật Bản. 

Nano UFB là công nghệ tạo bóng khí siêu nhỏ có đường kính nanomet. Khi thiết bị hoạt động sẽ cấp khí nitơ vào máy tạo bong bóng siêu nhỏ, được hòa trộn ở bên trong thiết bị nhờ các ống nano, tạo thành dung dịch chứa bong bóng khí nitơ mang điện tích âm có tác dụng hút các chất hữu cơ khác mang điện tích dương làm sạch nước hiệu quả. Các bong bóng nano nitơ sẽ khử oxy hòa tan trong nước, làm giảm hoạt động của vi khuẩn hiếu khí, do đó loại bỏ quá trình oxy hóa từ bề mặt ngoài vào đến tận bên trong cơ thể cá, giúp cá được bảo quản tốt, ngăn chặn thịt cá bị biến chất.

Theo Kỹ sư Nguyễn Bảo Tố, Trung tâm Khuyến nông Bình Định: công nghệ Nano UFB giúp cá giữ độ tươi hơn trong quá trình bảo quản và tiết kiệm chi phí nước đá do không phải mang đá đi nhiều như trước. Để áp dụng công nghệ này, hầm bảo quản cá cần thay đổi theo thiết kế phù hợp. Cá được bảo quản trong hầm bằng cách móc thẳng đứng, tiết kiệm không gian và thời gian bốc dỡ; chất lượng cá đạt tỷ lệ loại A tăng lên, giá bán cao hơn. 

Cá ngừ đại dương sau khai thác được đưa vào hầm bảo quản bằng cách móc thẳng đứng giúp tiết kiệm được thời gian đưa cá lên khỏi hầm. Ảnh: V.Đ.T

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định đánh giá: Bảo quán cá ngừ theo công nghệ nano sẽ giúp chất lượng của cá tốt hơn. Việc chuyển giao kỹ thuật bảo quản cá ngừ bằng công nghệ UFB giúp ngư dân từng bước phát triển nghề cá có trách nhiệm, ngư dân học về kỹ thuật dưới sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, đảm bảo quy trình đánh bắt, bảo quản, ổn định chất lượng cá khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các ngư dân bảo quản, nâng cao chất lượng cá ngừ theo công nghệ nano, cùng với đó gắn kết các doanh nghiệp để họ có cơ chế hỗ trợ cho người dân thích đáng. 

Khánh Nguyễn 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!