Cá tra Việt Nam: Thay đổi để tự cứu mình

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau khi có quyết định của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trong đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR8) về việc áp mức thuế tăng cao 25 – 45 lần so mức thuế của POR7, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề then chốt ở đây là phải quản lý giá xuất khẩu, tiêu diệt những chiêu cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh.

Thiệt hại nhiều phía

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, doanh nghiệp thủy sản thời gian qua đã kiệt sức với vấn đề vốn, thị trường…, nay lại áp mức thuế vào xuất khẩu thì nguy cơ phá sản rất cao. Nhiều doanh nghiệp hoạt động dựa vào vốn vay để làm nhà máy, một phần sử dụng vốn của người nuôi; khi Mỹ áp thuế CBPG, sản phẩm tăng giá nhiều sẽ khó cạnh tranh, doanh nghiệp ngậm ngùi rút lui.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An (Cần Thơ) bức xúc: Hiện nay mỗi kg cá tra bán lỗ 3.000 đồng; trước khi có quyết định của DOC, giá bán cá 22.000 đồng/kg, nay giảm còn 21.000; người nuôi chỉ có lãi khi giá bán trên 24.000 đồng/kg. 

Cá tra vào thị trường Mỹ ngày một khó – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ cũng ngậm ngùi: Chúng tôi chịu thuế CBPG tới 3,87 USD/kg, cơ hội cạnh tranh với doanh nghiệp tại Mỹ rất khó; nguy cơ rủi ro luôn rất cao, chúng tôi sẽ tìm hướng sang thị trường khác. Quyết định của DOC cũng khiến người tiêu dùng Mỹ bị thiệt hại vì phải bỏ thêm tiền mua cá tra.

 

Nâng giá bán

Theo ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên Thường vụ Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong khi thị trường Mỹ đang co hẹp, các doanh nghiệp cần tìm cách nâng giá bán cá tra tại thị trường này và mở rộng sản phẩm tới thị trường khác. Mỹ hiện có 69.000 ha nuôi cá da trơn, không đủ sản lượng theo yêu cầu của người tiêu dùng, nên các doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi xuất khẩu vào Mỹ cơ hội chưa hết. Tuy nhiên, phải có cơ chế riêng, có giá sàn để các doanh nghiệp thống nhất với nhau, đơn vị nào bán giá thấp hơn sẽ không được xuất khẩu vào Mỹ. Nếu tăng giá xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ không bị kiện nữa. Bởi khi có mặt hàng nước ngoài tràn vào song song hàng trong nước, doanh nghiệp sản xuất trong nước thường tìm cách lấn át hàng ngoại nhập. 

Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề để nâng được giá bán cao hơn theo cam kết các doanh nghiệp đã thống nhất, cần phải tiêu diệt sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp và quản lý được giá xuất khẩu. Hiệp hội Cá tra Việt Nam đang cùng Bộ NN&PTNT xây dựng nghị định về cá tra tạo ra tổ chức mạnh hơn. Nhà nước sẽ giao cho hội này một số quyền lực xử lý đơn vị vi phạm không bằng pháp luật mà dựa trên sự tự nguyện (doanh nghiệp tham gia phải chấp nhận “luật chơi”), mỗi doanh nghiệp tham gia tổ chức này sẽ có nhiều quyền lợi hơn. Việc này khó nhưng không phải không làm được. Việt Nam trước mắt có thể học Na Uy về quản lý cá hồi…  

Ông Dương Nghĩa Quốc cũng đề nghị: Doanh nghiệp phải rà soát vùng nuôi, giảm sản lượng, nâng cao chất lượng, mở rộng quy trình nuôi theo GlobalGAP, VietGAP, ASC… Những doanh nghiệp nhỏ yếu nên tập hợp thành nhóm, tuân thủ quy trình xuất khẩu đúng “luật chơi” của thị trường. 

Với các doanh nghiệp không nằm trong danh sách chịu mức thuế này, thời gian qua cũng đã ký được một số hợp đồng xuất khẩu đầu năm như Công ty CP XNK Thủy sản An Giang (Agifish) đã có hợp đồng xuất khẩu 10.000 tấn cá tra sang Mỹ trị giá 36 triệu USD, sẽ giao hàng trong quý 2 tới. Được biết, giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ đã tăng 12% so mức giá trước khi DOC công bố thuế chống bán phá giá chính thức lần thứ 8.

>> Theo VASEP, dự kiến giá cá tra vào thị trường Mỹ sẽ còn tăng thêm 0,1 – 0,2 USD/kg vào quý III năm nay khi nguồn cung trong nước thiếu hụt cũng như các loại cá khác bán vào Mỹ đã tăng giá. Đây là cơ hội để điều chỉnh lại thị trường và nâng giá bán cá tra trên thị trường Mỹ nhằm thoát khỏi thuế CBPG.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!