(TSVN) – “Từ khi Dự án nuôi cua 2 giai đoạn của Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau được triển khai đã làm thay đổi cuộc sống của nông dân chúng tôi nhiều lắm. Từ đối tượng nuôi ghép phụ trong mùa vụ nay đã trở thành đối tượng chính cho thu nhập cao và ổn định trong khi con tôm đang ngày một rớt giá và dịch bệnh nhiều”. Đó là khẳng định của nông dân Lê Văn Sơn, ấp 6, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình một trong 23 hộ dân tham gia thực hiện dự án này.
Là ấp không có điều kiện phát triển kinh tế như các khu vực khác nhưng với lợi thế thiên nhiên ban tặng, từ khi chuyển dịch từ chuyên lúa sang một vụ lúa một vụ tôm đến nay cuộc sống của người dân tại ấp 6, xã Tân Lộc Bắc cũng dần ổn định từ 3 đối tượng cây lúa, tôm sú và cua.
Khi dự án nuôi cua thương phẩm 2 giai đoạn của Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau triển khai từ tháng 4/2019 thì con cua đã thay đổi đối tượng sản xuất của 23 nông dân tham gia dự án này. “Thấy ham lắm, khi cua có giá thu nhập trên 20 triệu đồng, hết vụ gần 100 triệu đồng. Vụ nào cũng cho hiệu quả như thế thử hỏi nông dân chúng tôi không vui sao được”, ông Sơn tấm tắc.
Đã 73 tuổi, trải qua gần 10 năm kinh nghiệm nuôi tôm, cua và trồng lúa, ông Sơn cũng như bao nông dân khác đã nắm và rút ra được những yếu tố kỹ thuật quan trọng từ dự án và kết hợp với điều kiện thực tế của mình. Từ khi kết thúc dự án, ông duy trì thả mật độ 5.000 con cua/ha cho phù hợp với công chăm sóc và nguồn thức ăn trong vuông của mình. Nhưng đã qua 2 vụ liên tiếp ông thu hoạch trên 100 triệu đồng/vụ; bên cạnh đó, ông Sơn còn là một trong những nông dân nuôi ghép thành công cả TTCT và cá chẽm trong cùng một diện tích ao nuôi.
Ông Trần Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã cho biết: “Từ khi dự án được triển khai, người dân nuôi cua trúng rất nhiều. Do hiệu quả từ dự án mang lại, nông dân nuôi cua giờ đây nhận thấy nuôi từ mật độ 1 con/m2 lên 2 con/m2 phù hợp với công chăm sóc, thu hoạch; đây cũng là đối tượng nuôi chính trên vuông tôm của các hộ dân”.
Dự án nuôi cua hai giai đoạn đã giải quyết được vấn đề phát triển kinh tế cho từng hộ gia đình. Khi mà sản lượng lúa đạt 30 – 40 giạ/công, do sản xuất theo hướng hữu cơ nên được công ty thu mua lúa bao tiêu ngay từ đầu vụ, tôm và cua cũng trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Bí Thư chi bộ ấp 6 Lê Thanh Tâm, cũng là nông dân thực hiện mô hình từ dự án cho biết: “Bây giờ các hộ dân tham gia dự án hễ thả cua là trúng, qua theo dõi, từng hộ nuôi đạt dữ lắm, từ khi dự án kết thúc người dân dần dần trúng hoài tới giờ luôn. Nhà nước đầu tư cho dân, tạo điều kiện cho dân có được nguồn vốn từ mô hình vậy phấn khởi lắm”.
Theo ông Tâm, người nông dân không ngại gian khó, không ngại học hỏi kinh nghiệm hoặc mạnh dạn triển khai các mô hình mới, nhất là khi gặp mô hình nào hiệu quả, trong khả năng là làm và quyết tâm bám trụ. Hiện giờ con cua cho hiệu quả rất cao so với con tôm; nếu tính tổng thể các đối tượng giữa con cua, con tôm sú hay TTCT và cây lúa thì con cua giờ đây có thể nói đứng đầu về thu nhập và sự ổn định. Không những nông dân trong mô hình mà ngoài mô hình thực hiện theo cũng chung nhận định như thế.
Ông Lê Văn Sơn phấn khởi, cho dù không có nguồn thu nhập từ con tôm, cá hay lúa thì chỉ cần con cua thôi thì cuộc sống của người dân vẫn bền vững. Tới đây, thành lập HTX xong thì người dân nuôi cua nơi đây sẽ an tâm hơn với mô hình này.
>> Dự án nuôi cua thương phẩm 2 giai đoạn được triển khai từ tháng 4 – 10/2019, quy mô 23/25 ha, mật độ 1 con/m2. Năng suất bình quân 524,7 kg/ha/vụ. Lợi nhuận tổng dự án mang lại gần 2 tỷ đồng. |
Diệu Lữ