Đề án 52 tại Thanh Lân: Hiệu quả bước đầu

Chưa có đánh giá về bài viết

Là một xã đảo của huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, Thanh Lân có 356 hộ với 1.327 nhân khẩu, trong đó, 350 phụ nữ đang độ tuổi sinh đẻ. Từ khi thực hiện Đề án 52, đời sống người dân đã bước đầu ổn định, chất lượng dân số ngày càng nâng cao.

Tập trung cho công tác dân số

Do tập quán sinh đẻ tự nhiên và tín ngưỡng “con là do Chúa ban”, đa số người dân ở đây vẫn còn tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, phải có con trai để nối dõi tông đường nên khi bắt tay thực hiện Đề án gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, công tác dân số tại Thanh Lân luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Cán bộ dân số xã cung cấp dịch vụ và hướng dẫn người dân thực hiện công tác DS – KHHGĐ một cách hiệu quả

Cụ thể, xã đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo công tác DS – KHHGĐ cấp xã và đội ngũ cộng tác viên. Xây dựng kế hoạch thực hiện chiến dịch truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKBMTE, KHHGĐ; Xây dựng các mô hình nâng cao chất lượng dân số như: chương trình sàng lọc sinh và sơ sinh, mô hình tư vấn, chăm sóc sức khoẻ cho các bà mẹ mang thai, hỗ trợ khi sinh và sau sinh đối với các bà mẹ có nguy cơ cao đến sự mang thai và chất lượng bào thai. Ban dân số xã đã xác định đây là một nhiệm vụ xã hội lâu dài, để thay đổi được nhận thức của người dân cần phải trực tiếp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Với 3 hình thức tuyên truyền DS – KHHGĐ chính là truyền thông nhóm nhỏ, tư vấn cá nhân và đi thăm hộ gia đình, trong đó, đặc biệt chú trọng đến mô hình truyền thông nhóm nhỏ, bởi đây là mô hình điểm được đánh giá là phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

 

Chia sẻ kinh nghiệm

Chị Nguyễn Thị Huệ, một cộng tác viên kỳ cựu chia sẻ, trong những ngày đầu thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức, Ban dân số đã thành lập được 4 nhóm nhỏ, hoạt động tập trung ở thôn 3. Ban ngày, chị em phải đi làm đồng, đi biển nên hàng tháng, chỉ có thể tổ chức được 1 đến 2 buổi tối sinh hoạt cho chị em. Thời gian đầu, do trình độ nhận thức về vấn đề này còn hạn chế nên cũng rất ít chị em tự nguyện tham gia, có một số chị em vào nhóm cho có lệ, không tham gia sinh hoạt. Khi đó, các cộng tác viên lại phải cử cán bộ đến từng nhà kêu gọi vận động. Năm 2011, tỷ lệ chị em mang thai ngoài ý muốn giảm đi rõ rệt, trình độ nhận thức về an toàn tình dục, SKSS của nhân dân trên địa bàn được nâng cao, số hộ sinh con thứ 3 giảm…

Đời sống người dân Thanh Lân ngày một đổi mới, họ được hưởng lợi rất nhiều từ Đề án 52 mang lại

 Đến nay, toàn xã đã có 15 nhóm truyền thông rải đều trên 3 thôn, mỗi nhóm có từ 5-10 người. Đều đặn mỗi tháng, các nhóm đều tổ chức các buổi nói chuyện tuyên truyền, chia sẻ về SKSS, KHHGĐ, những thắc mắc thầm kín… Công tác DS – KHHGĐ đã duy trì giảm mức sinh một cách vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng dân số, triển khai các hoạt động truyền thông, tổ chức các ngày lễ của ngành như ngày Dân số Thế giới 11/7, Tháng hành động quốc gia về Dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12. Thực hiện tốt các mô hình, chương trình sàng lọc sinh, sơ sinh nâng cao chất lượng dân số khi sinh. Đồng thời, thường xuyên lập danh sách phụ nữ mang thai, tư vấn cho các đối tượng mang thai có nguy cơ cao bằng biện pháp uống viên sắt, tiêm phòng uốn ván, siêu âm định kỳ ba tháng một lần để kịp thời phát hiện các dị tật bẩm sinh.

 

Thành tựu khả quan

Hiện, toàn xã có 9 cộng tác viên, họ là những người “cầm cân nảy mực”, trực tiếp đứng ra thông báo, chủ trì các buổi sinh hoạt nhóm, là những cộng tác viên dân số tích cực, năng nổ, nhiệt tình, am hiểu sâu các vấn đề về SKSS/KHHGĐ. Chị Hoàng Thị Dung, cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết, do nguồn ngân sách của huyện còn hạn hẹp nên suốt 3 năm nay, thù lao cho cộng tác viên cũng chỉ dừng lại ở mức 150.000 đồng/người/tháng, nhưng mọi người đều hăng hái tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ.

Sau 3 năm thực hiện Đề án 52, đến nay, tình hình DS – KHHGĐ xã đảo Thanh Lân đã có những kết quả khởi sắc, ý thức của người dân đang dần tiến bộ, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn ngày càng cao. Phong trào thực hiện DS – KHHGĐ ngày một gia tăng và có hiệu quả, thực sự bước đầu đã đáp ứng nhu cầu của người dân. Ban DS – KHHGĐ phối hợp với Trạm y tế xã đã tiếp cận tư vấn các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho 619 lượt người, tổ chức khám và điều trị bệnh phụ khoa cho hơn 600 chị em.

>>Mỗi năm, Thanh Lân có 2 – 3 đợt chiến dịch truyền thông, tư vấn, cung cấp các gói dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, tổng số đối tượng được tiếp cận là 713 người, khám phụ khoa cho 612 người, điều trị 538 người đạt 87,9%, cung cấp các biện pháp tránh thai đầy đủ và thuận tiện đến cộng đồng dân cư trên địa bàn.

Vân Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!