Đề án 52 vì mục tiêu quốc gia giàu mạnh từ biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Triển khai Đề án 52 từ cuối năm 2009, đến nay, 28 tỉnh, thành trong cả nước cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể đã đem lại những kết quả lớn, làm thay đổi căn bản nhận thức và hành động của những đối tượng tham gia.

Có thể thấy, việc thực hiện thành công Đề án 52 sẽ góp phần thực hiện được “2 trong 1” của mục tiêu Chiến lược Biển Việt Nam đến 2020.

 

Điểm sáng Lý Sơn

Huyện Lý Sơn là địa phương điển hình trong việc thực hiện Đề án 52 của tỉnh Quảng Ngãi. Từ khi triển khai Đề án, nhiều mô hình được xây dựng và triển khai nên người dân nơi đây đã được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe BMTE/KHHGĐ, chất lượng dân số từng bước được cải thiện.

Đánh giá kết quả của Đề án, ông Tạ Duy Quý, Trưởng phòng Thanh tra DS – KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết, các hoạt động của Đề án triển khai tại Lý Sơn có hiệu quả rõ rệt, đã góp phần nâng cao nhận thức người dân về kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nhằm chuyển đổi hành vi và góp phần đẩy nhanh tiến độ ổn định quy mô dân số. Là một huyện có mật độ dân số đông thứ hai trong toàn tỉnh Quảng Ngãi, đến nay, nhận thức và hành vi của người dân đã tăng lên đáng kể, kiến thức của chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về SKSS đã đúng đắn hơn. Ngoài ra, các hoạt động đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe BMTE, chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai, hỗ trợ khi sinh và sau sinh, phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn… cũng được quan tâm.

Qua 3 năm triển khai (2012 – 2015), số người được tư vấn về chăm sóc sức khỏe BMTE/KHHĐ là 6.385 người. Số bà mẹ mang thai được khám là 731 người, số người được khám phụ khoa là 1.381.069 người, điều trị phụ khoa là 1.327 người…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án tại huyện Lý Sơn cũng gặp khó khăn như hệ thống tổ chức làm công tác dân số trong những năm qua có nhiều thay đổi. Đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số cấp xã hàng tháng hưởng phụ cấp thấp, thiếu an tâm công tác làm ảnh hưởng đến kết quả. Một bộ phận người dân, trong đó có cả cán bộ còn nhận thức lệch lạc về số con, con trai, con gái; phụ nữ mang thai chưa thấy rõ tầm quan trọng trong việc khám, sàng lọc trước sinh…

 

Vì chất lượng nhân lực biển

Theo số liệu điều tra năm 2012 của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế), chỉ có 46,7% số Trạm Y tế xã đảo có bác sĩ, trên 80% tổng số gia đình ở khu vực biển, đảo cần được tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh, trong đó có cả dịch vụ y tế chất lượng cao, 31% người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận cơ sở y tế, cơ sở y tế không có đủ trang thiết bị y tế là 18%…

đề án 52

Phát tờ rơi tuyên truyền công tác dân số tại huyện Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, trong giai đoạn 2016 – 2020 cần triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, hoạt động chủ yếu của Đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số. Mở rộng, triển khai đồng bộ các hoạt động của Đề án. Trước mắt, năm 2016, sẽ tăng cường giải pháp kiểm soát giới tính khi sinh đối với 18/28 tỉnh, thành phố ven biển có tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao từ 110 trở lên (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Sóc Trăng).

Ông Phạm Hồng Quân, Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia DS – KHHGĐ cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, Tổng cục Dân số tiếp tục triển khai Đề án từ Trung ương đến địa phương, huy động các cấp chính quyền cùng vào cuộc, trong đó ưu tiên những mô hình đặc thù tại các xã đảo, bãi ngang… Tăng cường công tác nghiên cứu, khảo sát để đề xuất các giải pháp, thiết kế các mô hình, hoạt động phù hợp với đặc thù vùng biển, đảo. Cùng đó, đầu tư cho các đội lưu động trang thiết bị chuyên môn (máy siêu âm xách tay, máy xét nghiệm sinh hóa, kính hiển vi…) nhằm đáp ứng nhu cầu khám, điều trị, dịch vụ KHHGĐ và các trang thiết bị truyền thông, phương tiện đi lại…

Theo Tổng cục Dân số, mục tiêu Đề án là quy mô dân số vùng biển, đảo và ven biển không vượt quá 37 triệu người vào năm 2020; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các BPTT hiện đại đạt 72% từ năm 2015 đến năm 2020. Tỷ lệ người làm việc và sinh sống trên đảo, ven biển, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế thuộc khu vực đảo, ven biển và trên biển tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đạt 95% vào năm 2020. Tỷ lệ trẻ em tại các vùng biển, đảo và ven biển bị dị dạng, dị tật và thiểu năng trí tuệ do rối loạn chuyển hóa và di truyền giảm bình quân hàng năm khoảng 5% trong giai đoạn 2011 – 2020. Đề án hướng đến cung cấp dịch vụ y tế kịp thời, giúp người dân có điều kiện đến cơ sở y tế để khám, tư vấn kiến thức nhanh chóng, chính xác…

ông phạm hồng quân phó giám đốc ban quản lý các dự án chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ>> Ông Phạm Hồng Quân, Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án Chương trình mục tiêu Quốc gia DS – KHHGĐ: Năm 2016, sẽ ưu tiên triển khai mô hình lưu động, mang dịch vụ đến gần với nhân dân, tuyên truyền giúp người dân hiểu, có kiến thức, kỹ năng thực hiện. Đề án tiếp tục ưu tiên 311 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, xây dựng “thế trận lòng dân”, “hậu phương vững chắc”, khi chị em phụ nữ được đảm bảo sức khỏe, giúp “tiền tuyến” yên tâm bám biển, góp phần xây dựng chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!