T2, 06/07/2020 10:25

Khai thác thủy – hải sản ở Kiên Giang: Tìm giải pháp giảm tổn thất sau thu hoạch

Chưa có đánh giá về bài viết

Khai thác, đánh bắt thủy – hải sản (THS) là ngành trọng điểm của Kiên Giang, hàng năm đóng góp khá lớn cho thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, tỷ lệ tổn thất sản phẩm THS sau thu hoạch còn khá lớn, trong khi các tàu cá hầu như chưa lắp dặt hệ thống hầm lạnh để bảo quản tốt sản phẩm…

Dù có hàng ngàn tàu cá đánh bắt xa bờ, nhưng khai thác, đánh bắt THS ở Kiên Giang còn theo mùa vụ. Vào mùa thu hoạch chính, nguồn nguyên liệu THS dồi dào. Nhằm tránh hư hỏng, các tàu cá và doanh nghiệp (DN) tìm mọi cách để tiêu thụ hết sản phẩm trong thời gian ngắn. Ngược lại, vào thời điểm chưa đến mùa vụ hoặc mất mùa, các DN phải nhập nguyên liệu từ các nơi khác để đảm bảo công suất vận hành của nhà máy. Mỗi năm, khoảng 70% nguồn nguyên liệu THS trong tỉnh dành cho thị trường xuất khẩu. Ấy nhưng, sau mỗi vụ thu hoạch, tổn thất sản phẩm có thể đến 21% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Do hệ thống kho lạnh, hầm lạnh trên tàu cá chưa được đầu tư nên chưa giải quyết được bài toán giảm tổn thất và bảo quản sản phẩm THS lâu dài. Trong những chuyến đánh bắt THS dài ngày, ngư dân thường dùng nước đá để bảo quản sản phẩm nên tỷ lệ  tổn thất từ 20 – 30% sản lượng khai thác; số lượng đạt tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu không cao…

Tìm giải pháp giảm tổn thất sau thu hoạch

Nhiều tàu cá ở Kiên Giang chưa lắp đặt hệ thống hầm lạnh.

Việc thực hiện các biện pháp giảm tổn thất sau thu hoạch THS, do vậy là yêu cầu cần thiết. Ông Nguyễn Trọng Bình – Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm sản và thủy sản Kiên Giang – cho biết, mỗi năm chi cục mở các lớp tập huấn cho các chủ tàu đánh bắt cá và các cơ sở kinh doanh, chế biến thủy sản cách bảo quản sản phẩm từ 0 độ C đến dưới 4 độ C, không sử dụng các chất cấm trong bảo quản sản phẩm để tránh gây ngộ độc cho người tiêu dùng. Theo ông Trần Chí Viễn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT – nếu các tàu cá được lắp đặt hệ thống kho lạnh sẽ giải quyết vấn đề giảm giá trị THS, hệ thống kho lạnh dự trữ thủy sản sẽ dễ tiêu thụ hết chuỗi sản xuất, kinh doanh; hạn chế bất ổn của tính thời vụ và thị trường.

Theo định hướng đến năm 2020, hệ thống kho lạnh của Kiên Giang đạt công suất 34.000 tấn; riêng kho lạnh, lạnh hầm lắp đặt trên tàu cá không hạn chế số lượng. Theo đó, Sở NNPTNT đã xem xét, khảo sát thực tế và có văn bản gửi Agribank chi nhánh Kiên Giang cho 4 DN chế biến thủy sản vay vốn xây dựng hầm đông, kho lạnh. Ngành NNPTNT sẽ tổ chức lại sản xuất THS theo hướng gắn chế biến với sản xuất, thu mua và dự trữ, tạo liên kết chặt chẽ giữa DN chế biến thủy sản (đóng vai trò chủ đạo) và ngư dân trực tiếp tham gia thị trường nhằm xóa dần các đầu mối trung gian. Ngư dân cũng cần được tiếp cận thuận lợi về vốn ưu đãi để đầu tư trang thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch THS.

G.Bảo

Báo Lao động

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!