Kỳ 1: Một số quy định về quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Thực hiện Chỉ thị số 689/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ xử lý, Trung tâm Thông tin Kiểm ngư phối hợp với Tạp chí Thủy sản Việt Nam – Hội Nghề cá Việt Nam phổ biến một số nội dung cơ bản nhằm giúp ngư dân nâng cao nhận thức về pháp luật biển của Việt Nam và các nước trong khu vực có biển tiếp giáp, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Ảnh: Phân vùng tuyến khai thác

Ảnh: Phân vùng tuyến khai thác

1. Quy định phân vùng khai thác thủy sản

Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động thủy sản của tổ chức cá nhân Việt Nam trên các vùng biển và Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20/6/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều về lĩnh vực thủy sản, quy định các vùng biển khai thác thủy sản như sau:

• Vùng biển ven bờ được giới hạn bởi mức nước thủy triều thấp nhất và tuyến bờ đối với các đảo vùng biển ven bờ tối đa không quá 6 hải lý (do các tỉnh quy định).

• Vùng lộng là vùng biển được giới hạn bởi tuyến bờ và tuyến lộng.

– Tuyến bờ là các đường thẳng gấp khúc nối liền các điểm: Từ điểm 01 đến điểm 18 (toạ độ xác định theo kinh, vĩ độ – xem bản đồ)

– Tuyến lộng là các đường thẳng gấp khúc nối liền các điểm: Từ điểm 01’ đến điểm 18’ (tọa độ xác định theo kinh, vĩ độ – xem bản đồ)

• Vùng khơi là vùng biển được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế của vùng biển Việt Nam.

• Vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam là vùng biển cả hoặc vùng biển của quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Vùng biển cả là vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và vùng đặc quyền kinh tế của các nước hoặc vùng lãnh thổ khác.

2. Quy định đối với các tàu cá hoạt động tại các vùng khai thác thủy sản

– Tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cả, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng;

 – Tàu lắp máy có công suất máy chính từ 20 CV đến dưới 90 CV khai thác hải sản tại vùng lộng và vùng khơi, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng biển cả;

– Tàu lắp máy có công suất máy chính dưới 20 CV hoặc tàu không lắp máy khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ, không được khai thác thủy sản tại vùng lộng, vùng khơi và vùng biển cả;

– Tàu cá dưới 20 CV hoặc không lắp máy đăng ký tại tỉnh nào thì chỉ được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ tỉnh đó (trừ trường hợp có thỏa thuận riêng của UBND của hai tỉnh liền kề);

 – Các tàu làm nghề lưới vây cá nổi nhỏ, nghề khai thác nhuyễn thể không giới hạn công suất khi hoạt động ven bờ và vùng lộng và do UBND các tỉnh quy định cụ thể hoạt động của các tàu này.

* Trong quá trình hoạt động trên biển, trên tàu cá phải có các giấy tờ sau đây:

– Giấy phép khai thác thủy sản (trừ khai thác thủy sản bằng tàu cá có trọng tải dưới 0,5 tấn);

– Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đối với loại tàu cá theo quy định của pháp luật phải có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá;

– Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp tàu cá đã được thế chấp tại ngân hàng thì phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được ngân hàng đó xác nhận;

– Sổ danh bạ thuyền viên, Sổ thuyền viên tàu cá theo quy định của pháp luật (Đối với thuyền viên và người làm việc trên tàu cá mà pháp luật quy định không phải có Sổ thuyền viên thì phải có giấy tờ tùy thân).

3. Quy định điều kiện khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam

Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau:

• Đối với tàu cá:

– Tàu cá có đủ tiêu chuẩn vùng hoạt động hạn chế cấp I hoặc cấp không hạn chế. Trường hợp hoạt động tại vùng biển của quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á thì tàu cá phải có đủ tiêu chuẩn vùng hoạt động hạn chế cấp II trở lên;

– Đã được đăng ký, đăng kiểm. Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá phải còn thời gian hiệu lực ít nhất là 3 tháng;

– Trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn cho người và tàu cá, thông tin liên lạc tương ứng với vùng biển hoạt động theo quy định của pháp luật;

– Có đủ biên chế thuyền viên theo quy định của pháp luật.

• Đối với thuyền viên và người làm việc trên tàu cá:

– Thuyền trưởng, máy trưởng phải có bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng do cơ quan có thẩm quyền cấp;

– Có bảo hiểm thuyền viên;

– Có sổ thuyền viên tàu cá hoặc chứng chỉ nghiệp vụ thuyền viên tàu cá.

• Đối với tổ chức, cá nhân đưa tàu khai thác ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác phải đáp ứng các điều kiện quy định đối với tàu cá, đối với thuyền viên, người làm việc trên tàu cá và các điều kiện sau:

– Có hợp đồng hợp tác khai thác thủy sản với tổ chức, cá nhân của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có biển, được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có biển đó chấp thuận hoặc theo nội dung của Hiệp định hợp tác nghề cá giữa quốc gia và vùng lãnh thổ có biển với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

– Thuyền viên trên tàu phải có hộ chiếu phổ thông;

– Trên tàu hoặc cùng một nhóm tàu phải có ít nhất một (01) người biết tiếng Anh hoặc ngôn ngữ thông dụng của quốc gia, vùng lãnh thổ mà tàu cá đến khai thác;

– Đáp ứng được điều kiện khác theo quy định của pháp luật nước sở tại (nếu có).

4. Quy định các loại giấy tờ cho phép tàu cá khai thác thủy sản ở vùng biển các quốc gia và vùng lãnh thổ khác

Để được khai thác thủy sản ở vùng biển cả hoặc vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác, tổ chức, cá nhân phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và thủ tục có liên quan cho Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT. Sau khi xem xét hồ sơ, Tổng cục Thủy sản cấp các giấy tờ liên quan (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) như sau:

– Giấy phép cho tàu khai thác thủy sản khai thác ở vùng biển quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác;

– Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

– Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá;

– Danh sách, ảnh và hộ chiếu của thuyền viên và người làm việc trên tàu cá.

5. Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia, lãnh thổ khác phải có trách nhiệm

– Thực hiện đầy đủ thủ tục xuất cảnh và nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ có vùng biển mà tàu cá đến khai thác;

– Tuân thủ pháp luật Việt Nam, các quy định của Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ có vùng biển mà tàu cá đến khai thác;

– Nếu xảy ra sự cố tai nạn hoặc tình huống nguy hiểm cần sự cứu giúp, thuyền trưởng phải phát tín hiệu cấp cứu và liên hệ kịp thời với nhà chức trách của quốc gia có biển gần nhất, thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam để được giúp đỡ; thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hoặc về Bộ NN&PTNT;

– Trước khi rời cảng biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác về nước, thuyền trưởng hoặc chủ tàu phải thông báo cho Tổng cục Thủy sản hoặc cơ quan quản lý thủy sản tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký tàu cá, bằng phương tiện thông tin liên lạc hoặc bằng văn bản trước 05 ngày, kể từ ngày dự kiến về đến cảng Việt Nam;

– Chỉ được đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác ở vùng biển của quốc gia và vùng lãnh thổ khác khi đã được Tổng cục Thủy sản cấp phép cho tàu cá đi khai thác.

Xem thêm: 

>> Kỳ 2: Một số điều ngư dân cần biết khi hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển  

>> Kỳ 3: Phân định ranh giới biển Việt Nam với các nước khu vực Vịnh Bắc bộ và khu vực biển Tây Nam bộ 

Hoàng Yên - Thu Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!