T2, 06/07/2020 10:09

Một đêm ở bến cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặc cho cái lạnh trong đêm, những người mưu sinh ở bến cá phường Mỹ Bình (TP. Long Xuyên, An Giang) vẫn miệt mài với công việc gánh cá. Về khuya, không khí hoạt động tại đây vẫn rất nhộn nhjp…

Ngày trước bến cá nằm cặp chợ cũ TP. Long Xuyên. Nhưng khi chợ này được xây mới thì bến cá đã tạm thời di dời về sau lưng sân vận động An Giang để tiện cho việc vận chuyển và phân phối nguồn cá cho bạn hàng.

Ghe, tàu tấp nập bến sông

Màn đêm buông! Hàng trăm dân nghèo xúm xít bên bến cá ven con rạch Long Xuyên để chờ gánh, lựa cá thuê đã xua tan cái lạnh trong đêm. Thời điểm nước rút cũng là lúc những ghe, tàu chở nguồn cá đồng từ vùng biên giới và các huyện lân cận tập kết tại bến cá rất nhiều. Còn trên bờ thì xe chở hàng cũng đang vận chuyển nguồn cá về các tỉnh ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ. Vừa bước xuống bến ghe, tiếng vợt xúc cá khua khoang lụp cụp của những thương lái đổ vào trúm thật nhộn nhịp. Bạn hàng và chủ vựa mua cá kỳ kèo trả giá rôm rả làm cho phiên chợ đêm thật náo nhiệt. “Bữa nay gió bấc thổi mạnh, dân nghèo ít đi đánh cá đêm, nên nguồn cá cũng giảm… Thêm vài trăm đồng nữa đi chứ giá như vầy thì chắc bán không được chị Tư”… “Cá chép bữa nay có giá 16.000 đồng nghe chú Sáu, còn cá lóc nuôi có giá 36.000 đồng/kg nghe bảy Tâm…”, tiếng ngã giá dưới ghe giữa chủ vựa cá và tiểu thương đồng vọng trong đêm.

Nơi kiếm cơm của dân nghèo

Chị Lê Thị Hiền, một thương buôn cá lóc ở Chợ Mới cho biết, khoảng 5-6 giờ chiều, ghe tàu khắp nơi đổ về đậu lại bến cá để cân cho chủ vựa, sau đó lên xe tỏa ra các chợ. Trung bình mỗi ngày có cả trăm chiếc ghe đục, vỏ lãi các loại neo đậu tại bến cá này. Bến cá hoạt động sáng đêm, đến khoảng 4 giờ sáng thì bắt đầu ngơi đi, ai về nhà nấy. Đến xế chiều thì ghe, tàu chở cá về, tấp nập trở lại. “Riêng tôi, mỗi ngày cân hơn 5 tấn cá lóc của người nuôi đem bán tại đây. Sau khi bỏ sở hụi, mỗi chuyến lời được vài triệu đồng. Nghề buôn bán cá đêm tuy cực nhưng bù lại làm ăn có đồng lời cao. Nhờ vậy mà bạn hàng tụi tôi mới bám nghề cho đến nay đã hơn 10 năm. Buôn có bạn bán có phường, làm ăn chủ yếu là lấy chữ tín làm đầu…”, chị Hiền trần tình.

Còn anh Trần Thanh Tâm, chuyên thu gom cá đồng trong mùa nước nổi, cho biết: “Năm nay lũ nhỏ phải lên tận đầu nguồn An Phú, Tân Châu, Châu Đốc để mua cá. Nếu như năm ngoái sản lượng cá lóc, cá lăng, cá rô nhiều vô kể thì hiện tại giảm mạnh. Trung bình mỗi ngày chỉ gom được hơn 1 tấn cá lóc, cá lăng, cá rô các loại. Mặt cá đồng năm nay có giá hơn năm ngoái từ 10.000-20.000 đồng/kg, hiện cá lóc 70.000-90.000 đồng/kg, cá rô 50.000 đồng/kg…”.

Nơi kiếm cơm của dân nghèo

Lặng lẽ trong màn đêm sôi động ấy là dân lao động nghèo, họ lấy đêm làm ngày lầm lũi mưu sinh. Tì vai vào chiếc đòn tre nhấc chiếc thùng cá nặng hơn trăm ký, anh Lý Công Danh và Nguyễn Chí Thông bước đi ì ạch trên tấm đòn dày. Hai anh nói: “Nặng lắm chứ chú em, độ khoảng 100kg/thùng, nhưng nguy hiểm nhất là đi trong đêm có thể trượt chân rơi cả người và cá xuống nước”. Ở cái tuổi ngoài 50, anh Danh và anh Thông đã gắn bó với cái nghiệp gánh cá tại chợ Long Xuyên trên 20 năm. Anh Lý Công Danh bày tỏ, hiện đang ở khóm Phó Quế, phường Mỹ Long, do không có chỗ ở ổn định nên cả gia đình đang thuê nhà trọ, mỗi tháng tốn ít nhất 500.000 đồng. Vợ anh thì làm ở Xí nghiệp may Kim Chi cộng với tiền bốc vác, gánh cá vừa đủ để lo cho gia đình và đứa nhỏ đi học. “Làm ngày nào ăn hết ngày đó. Hôm nào trong mình có bệnh bất thường nghỉ ở nhà thì coi như đói. Nhờ có bà xã đi làm ở xí nghiệp may nên phụ giúp được một phần lo chi tiêu và học hành cho đứa nhỏ. Vợ chồng tôi chỉ có 1 đứa con trai, hiện đang học lớp 8 Trường THCS Nguyễn Trãi, ráng lo cho con nó học thành tài”, anh Danh bộc bạch.

Đa số những người gánh cá tại bến chợ đều có hoàn cảnh khó khăn. Đời họ ít học nên cố gắng mưu sinh lo cho các con ăn học để biết được con chữ làm hành trang vững bước vào đời. Còn anh Nguyễn Chí Thông thì trả lời ngập ngừng: “Nó học lớp 10 ở trường gì… gì trên Bình Khánh… cũng quên rồi…”. Chắc có lẽ lo lầm lũi mưu sinh nên anh Thông đã quên đi cái trường của con mình học. Hỏi kỹ ra mới biết anh Thông có 4 đứa con, nay đã lập gia đình được 3 đứa, chỉ còn một đứa nhỏ đi học. “Gia đình nghèo nên các con lập gia đình cũng ra ở riêng làm thuê, vác mướn mà sống, chứ có được học hành đến nơi đến chốn đâu chú em ơi! Bổn phận làm cha, mẹ thấy các con mình không nghề nghiệp ổn định xót lắm chứ. Nhưng số phận đã vậy đành cam chịu. Ngày nào còn sức khỏe thì cố gắng gánh cá, bốc vác kiếm sống nuôi gia đình. Tôi còn đứa út đi học nên ráng lo. Hễ nó ăn học đến đâu tôi vẫn lo cho nó tới cùng”, anh Thông khẳng định.

Bến cá càng về đêm, trên bờ xe hàng càng tấp nập. Tôi gặp những người mưu sinh ngáp ngắn ngáp dài… Trời vừa sáng, cũng là lúc họ nhận tiền ra về khi phố phường thức giấc.

Thành Chinh

Báo An Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!