Nghề cá giải quyết tranh chấp biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Ý kiến này được nêu ra tại Phiên họp toàn thể lần thứ 32 của Ủy ban Nghề cá châu Á – Thái Bình Dương (APFIC) hôm 20/9/2012 tại Đà Nẵng.

Hơn 60 đại biểu đến từ 21 quốc gia thành viên APFIC và các tổ chức quốc tế trong khu vực đã bàn các vấn đề liên quan quản lý, khai thác, nuôi trồng thủy sản.

Tranh chấp trên Biển Đông có thể chia ra hai loại: tranh chấp về chủ quyền đảo và tranh chấp vùng biển. Phân giới rõ ràng là cách tốt nhất để giải quyết; tuy nhiên lại rất khó khăn, do nhiều nguyên nhân. Trong khi đó, các hoạt động đánh cá truyền thống và sự phụ thuộc kinh tế được coi là các nhân tố để xem xét. Phát triển chung sẽ được coi là một cách giải quyết tranh chấp – GS Kuan-Hsiung Wang, Giám đốc Viện Khoa học Chính trị Sau đại học của Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan cho rằng: Để giải quyết tranh chấp và thúc đẩy hợp tác trong khu vực Biển Đông, có thể bắt đầu bằng việc bảo tồn và quản lý tài nguyên cá. Có nhiều phương tiện, cơ chế và công cụ quốc tế để thực hiện; vấn đề là thực hiện theo cơ chế thống nhất ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Trong đó, thống nhất quy định pháp luật về nghề cá và bảo vệ môi trường giữa các bên liên quan; minh bạch trong chính sách biển quốc gia; hợp tác giữa các quốc gia. Cần thiết thành lập một tổ chức quản lý nghề cá khu vực.

Theo APFIC, châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng cao, chiếm 50% tổng sản lượng khai thác trên toàn thế giới. Nghề cá nếu không được tổ chức để góp phần giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, mà để các tranh chấp tác động thì tính bền vững sẽ bị phá vỡ. Ông Simon Funge Smith, Tổng thư ký APFIC, nói: “Do tranh chấp, các nước liên quan đã tăng cường sự hiện diện tại khu vực bằng việc tập trung số lượng lớn tàu cá, ảnh hưởng đến tính bền vững của nguồn lợi thủy sản trong khu vực và hoạt động nghề cá”.

Tác động đó rất rõ ràng ở bình diện địa phương, ông Võ Duy Khương, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nói “nghề cá gặp không ít khó khăn nên hiệu quả chưa xứng tiềm năng”. Do tranh chấp, ngư trường truyền thống của Đà Nẵng với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bị thu hẹp, thậm chí tàu thuyền và ngư dân bị bắt giữ.

Nghề cá có yêu cầu bảo vệ nguồn tài nguyên cá vượt qua biên giới lãnh thổ, vì đặc tính di cư của cá, việc này đang có điều kiện thực hiện ở thời toàn cầu hóa. Một cơ chế quản lý phù hợp, tuân theo các điều kiện tự nhiên, là cần thiết cho các quốc gia để duy trì nguồn cá ở mức bền vững. Hợp tác nghề cá có thể thực hiện ngay, từ đó tác động lan rộng tới các lĩnh vực hợp tác khác, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, phát triển tài nguyên hydrocarbon và cả tập trận chung.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!