Ngồi trên biển cá vẫn đói nguyên liệu

Chưa có đánh giá về bài viết

Do thiếu nguyên liệu tại chỗ, nên nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản tại Hải Phòng đã phải chuyển hướng sang nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để chế biến tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước.

Ông Vũ Bá Dũng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Nông thôn (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng) cho biết, hiện trên địa bàn Thành phố có 38 cơ sở chế biến thủy sản, nhưng sản lượng thấp, chỉ khai thác 30% công suất thiết kế, do thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó tổng giám đốc CTCP Kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phòng cho biết, trước đây, Công ty chuyên thu mua nguyên liệu trong nước để chế biến và xuất khẩu ra nước ngoài, song vài năm trở lại đây, Công ty đã phải đổi hướng kinh doanh, nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để chế biến sản phẩm tiêu thụ trong nước.

Theo bà Huyền, từ đầu năm đến nay, Công ty đã phải nhập khẩu hơn 3.000 tấn nguyên liệu (chủ yếu là cá nục, cá kìm).

 

Nhiều doanh nghiệp thủy sản phải nhập khẩu nguyên liệu để chế biến

Ông Bùi Đức Quyền, Tổng giám đốc của CTCP Thủy sản Anh Minh cũng cho biết, từ năm 2007 đến nay, mỗi năm, số nguyên liệu đầu vào được mua từ thị trường nội địa chỉ đáp ứng chưa tới 10% nhu cầu sản xuất.

Cụ thể, trong mấy năm gần đây, Công ty chỉ mua được chưa đến 200 tấn cá nguyên liệu trong nước, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của mình, Công ty phải nhập khẩu 3.000 – 4.000 tấn cá nục, cá kìm, cá cam… từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

Lượng cá nguyên liệu vốn đã khan hiếm, lại khan hơn khi thương lái cạnh tranh thu mua để xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, vì vậy, nguồn nguyên liệu cho cơ sở chế biến trong nước đang ngày một tiếp tục diễn biến theo hướng ít dần đều.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao, với vị trí thuận lợi cho công tác đánh bắt hải thủy sản và có truyền thống về nghề này, Hải Phòng lại rơi vào tình trạng khó khăn như vậy?

Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, Tổng thư ký Hội Nghề cá Hải Phòng, thì địa phương này có các ngư trường lớn, như Bạch Long Vỹ, Long Châu-Ba Lạt, Cát Bà, nhưng sản lượng khai thác thủy sản rất thấp. Năm 2012, sản lượng khai thác thủy sản của Hải Phòng chỉ đạt trên 47.000 tấn, theo số liệu của Viện Nghiên cứu hải sản thì sản lượng trên chưa bằng 10% sản lượng khai thác trên Vịnh Bắc Bộ (trên 550.000 tấn).

Theo đại diện nhiều DN chế biến thủy sản trên địa bàn TP. Hải Phòng, nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu nguyên liệu đầu vào cho DN chế biến thuỷ sản là vì nguồn thủy sản gần bờ đã có dấu hiệu cạn kiệt, do việc khai thác gần bờ diễn ra từ nhiều năm nay. Trong khi đó, phương tiện đánh bắt của ngư dân Hải Phòng lạc hậu, tàu thuyền có công suất nhỏ, không thể thực hiện đánh bắt xa bờ.

Theo thống kê, Hải Phòng hiện có 4.011 tàu thuyền hoạt động, trong đó tàu dưới 20 CV là 2.650 tàu (chiếm trên 66%), chỉ có 470 tàu có công suất trên 90 CV có khả năng đánh bắt xa bờ (chiếm 11,7%).

Để hỗ trợ ngư dân, HĐND TP. Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 10 (ngày 25/9/2007) và Nghị quyết số 14 (ngày 9/12/2010) về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thủy sản của Thành phố đến năm 2020. Theo đó, ngư dân sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay đóng mới và cải hoán tàu đánh cá vùng biển xa có công suất máy chính từ 90 CV trở lên, thời gian tối đa là 3 năm.

“Tuy nhiên, khi chủ tàu vay tiền cải hoán, đóng mới tàu cá theo cơ chế trên, thì gặp một số khó khăn về tài sản thế chấp theo quy định của ngân hàng. Do vậy, việc tiếp cận nguồn vốn còn gặp khó khăn”, ông Dũng nói.

Để giải quyết tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu, theo ông Dũng, DN vẫn cần phải tự nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh để có thể tiến hành thu mua tối đa sản lượng thủy sản được khai thác của ngư dân. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ ngư dân cũng cần được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết một cách đồng bộ từ chính quyền địa phương tới cơ quan quản lý nhà nước và cuối cùng là các ngân hàng thương mại.

Thu Lê

Báo Đầu tư

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!