Ổn định nhờ nuôi sò huyết

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sò huyết là đối tượng có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi nên những năm qua, mô hình nuôi sò huyết được nhiều địa phương phát triển và nhân rộng; mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.

Đặc điểm sinh học

Sò huyết là loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ có dạng hình trứng, vỏ dày chắc, cá thể lớn có vỏ dài 60 mm, cao 50 mm, rộng 49 mm. Mặt ngoài của vỏ gờ phóng xạ rất phát triển, có khoảng 18 – 21 gờ. Trên mỗi gờ phóng xạ có nhiều hạt hình chữ nhật, đối với những cá thể già ở xung quanh mép vỏ những hạt này không rõ lắm. Bản lề hình thoi, rộng, màu nâu đen, có nhiều đường đồng tâm hình thoi. Mặt trong của vỏ có màu trắng sứ, mép vọ có nhiều mương sâu tương ứng với đường phóng xạ của mặt ngoài. Mặt khớp thẳng, có nhiều răng nhỏ, vết cơ khép vỏ sau lớn hình tứ giác, vết cơ khép vỏ trước nhỏ hơn hình tam giác (Nguyễn Chính, 1996).

Trong tự nhiên, sò huyết phân bố ở các bãi bùn mềm, ít sóng gió và nước lưu thông. Các bãi sò thường gần các cửa sông có dòng nước ngọt đổ vào, nồng độ muối tương đối thấp. Sò nhỏ sống trên mặt bùn, sò lớn vùi sâu trong bùn khoảng 1 – 3 cm. Sò không vùi sâu nên yêu cầu về chất đáy chỉ cần khoảng 15 cm bùn mềm nhưng tốt nhất là nền đáy là bùn pha một ít cát mịn. Sò có thể sống ở vùng triều và vùng dưới triều đến độ sâu vài mét. Nơi thích hợp nhất cho sò là tuyến triều thấp.

Sò có khả năng thích nghi với phạm vị biến đổi nồng độ muối rộng từ 10 – 35‰, khoảng thích hợp là từ 15 – 30‰. Phạm vi thích ứng nhiệt độ của sò cũng rất rộng từ 20 – 300C.

Thức ăn của sò bao gồm mùn bã hữu cơ, tảo và vi sinh vật trong bùn. Sò bắt mồi thụ động bằng cách tạo dòng nước qua mang để lấy thức ăn. Sau 1 – 2 năm tuổi sò có thể thành thục sinh dục và tham gia sinh sản lần đầu tiên. Khi thành thục sò đẻ trứng và tinh trùng vào nước, trứng thụ tinh sẽ phát triển qua các giai đoạn ấu trùng bánh xe và diện bàn.

Dễ nuôi

Ở nước ta, hầu hết các tỉnh ven biển đều có sò huyết, đặc biệt là ở các vùng cửa sông và đầm phá, nhiều nhất là ở các tỉnh/thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau. Thịt sò huyết rất giàu protein, Vitamin B12, là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Sò huyết là một đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, chính vì vậy, đã có nhiều địa phương triển khai nuôi sò huyết, từ đó giúp nông dân giàu lên từ nghề này, điển hình như Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau…

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Bến Tre Châu Hữu Trị, thời gian qua, người dân trên địa bàn tận dụng diện tích mặt nước vùng cửa sông, bãi bồi nuôi sò huyết đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Sò huyết tại tỉnh Bến Tre chủ yếu được nuôi theo quy mô hộ gia đình. Nguồn giống chủ yếu đánh bắt ngoài tự nhiên, được mua tại tỉnh và ở các tỉnh khu vực phía Nam (Cà Mau, Kiên Giang). Toàn tỉnh có hơn 800 ha nuôi sò huyết, đứng thứ 4 diện tích nuôi trên cả nước. Theo người dân, sò huyết sinh trưởng ổn định ở những vùng cửa sông, sống trong môi trường bùn cát (bùn 70%, cát 30%) với độ mặn thấp hơn so với nghêu. Từ khi thả nuôi cho đến khi thu hoạch không tốn nhiều công chăm sóc và đặc biệt không tốn chi phí thức ăn do loài này tự kiếm thức ăn trong tự nhiên. Hiện, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang hoàn thiện quy trình nuôi từ ngoài bãi bồi cho đến nuôi trong ao quảng canh để hỗ trợ người dân. Cùng đó, hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, ương nuôi sò huyết giống để cung cấp cho thị trường nuôi thương phẩm. Bên cạnh đó, hướng người nuôi tham gia THT, HTX để có sự kết nối với thị trường tạo đầu ra bền vững cho người nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững từ nuôi sò huyết trong thời gian tới.

Tại Cà Mau, ngoài tôm, cua là hai loại thủy sản chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế bền vững của tỉnh, thì hiện nay mô hình nuôi sò huyết cũng được nhiều hộ dân quan tâm. Mô hình nuôi sò huyết đang tập trung và phát triển mạnh tại các huyện Cái Nước, Năm Căn, Ngọc Hiển… đem lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều hộ gia đình ở vùng ven biển. Huyện Cái Nước là một trong những địa phương phát triển mạnh mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm. Toàn huyện có tổng diện tích nuôi thủy sản trên 30.000 ha, trong đó có trên 3.000 ha nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm; tập trung phổ biến một số địa phương có điều kiện, như các xã: Trần Thới, Ðông Thới, Ðông Hưng, Tân Hưng, Tân Hưng Ðông và một phần thị trấn Cái Nước. Còn tại huyện Ngọc Hiển, Hội Nông dân huyện cũng tích cực tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân mở rộng mô hình kết hợp nuôi sò huyết trong vuông tôm. Đặc biệt là những hộ dân nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến, kết hợp nuôi sò huyết, góp phần nâng cao thu nhập từ vài trăm triệu đồng/ha mỗi năm.

>> Sò huyết chỉ ăn sinh vật phù du và sống ké trong môi trường nước nuôi tôm, cua, nên người dân khi nuôi chủ yếu bỏ chi phí để mua con giống. Sau khoảng 1 năm nuôi, sò huyết có thể thu hoạch, với trọng lượng từ khoảng 120 - 130 con/kg.

Diệu Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!