T3, 21/11/2023 04:39

Quảng Ngãi: Cấp thiết khôi phục nguồn lợi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ, khôi phục nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Duy trì hoạt động thả cá

Để góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, hàng năm, tỉnh Quảng Ngãi đều duy trì hoạt động thả giống thủy sản xuống các hồ, đập. Theo Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, năm 2022 đã có hơn 1 triệu con giống được thả xuống các sông, công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn. Riêng năm 2023 địa phương cũng bố trí hơn 600 triệu đồng và huy động xã hội hóa để thả khoảng 2 triệu con giống nhằm góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế cho người dân, nhất là người dân quanh các lòng hồ thủy điện.

Hoạt động thả cá được ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi duy trì hàng năm. Ảnh: LA

Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết, hằng năm, tỉnh đều bố trí kinh phí từ ngân sách để thực hiện công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, mục tiêu là nâng cao nhận thức của người dân trong việc chung tay với chính quyền khai thác hợp lý, gắn với việc phát triển nguồn lợi thủy sản đang có nguy cơ cạn kiệt, đồng thời làm cho nguồn lợi thủy sản sinh sôi và phát triển, nhằm tạo sinh kế, đảm bảo thu nhập cho người dân vùng sông, hồ.

Bên cạnh việc thả con giống, các cơ quan, đơn vị liên quan cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tích cực bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Trong đó trọng tâm là tuyên truyền cho người dân không sử dụng các loại ngư cụ đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt như xung điện, chất nổ không đảm bảo theo quy định.

Ngành nông nghiệp tập trung cơ cấu lại các loại nghề theo hướng giảm tỷ trọng nghề lưới kéo còn 14 – 15%. Ảnh: LH

Ngoài ra, những năm qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành một số hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức cộng đồng… để tái tạo, chăm sóc, khai thác cá tại lòng hồ. Theo đó, thành viên trong hợp tác xã, tổ hợp tác tự bỏ tiền để mua các loại cá giống như cá mè, chép, trắm cỏ thả xuống lòng hồ vào dịp đầu năm. Sau khi thả cá, mọi người cùng chung tay bảo vệ, quản lý hồ, nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi đánh bắt cá trong lòng hồ bằng các hình thức hủy diệt. Đến tháng 8, các thành viên lại cùng nhau bước vào vụ thu hoạch. Hình thức này giúp nghề nuôi cá lòng hồ phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, người dân có thu nhập ổn định.

Quyết tâm bảo vệ

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, hiện vùng biển của tỉnh Quảng Ngãi đang chịu áp lực khai thác cao, sản lượng khai thác vượt quá mức khiến nguồn lợi suy giảm nhanh, đặc biệt là các nhóm có giá trị kinh tế cao. Theo kết quả đánh giá 20 loài hải sản có giá trị kinh tế thì có đến 55% đối tượng chịu áp lực khai thác ở mức rất cao và cao.

Trước thực trạng này, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi đã có công văn số 4692/SNNPTNT-TS gửi Cục Kiểm ngư; các sở, ban ngành và các địa phương ven biển của tỉnh về việc đề xuất cấm đánh bắt có thời hạn 5 khu vực biển để bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang bị khai thác quá mức.

Cụ thể, 5 khu vực ven bờ được Quảng Ngãi xác định cấm khai thác thủy sản có thời hạn với quy mô diện tích khoảng 35.468 ha, chiếm 12,4% diện tích vùng biển ven bờ, gồm: vùng ven bờ xã Bình Phú – Bình Châu, huyện Bình Sơn; vùng ven bờ Tịnh Khê – Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi; vùng ven bờ Phổ Khánh, Phổ Thạnh, Phổ Châu, thị xã Đức Phổ và vùng biển phía nam đảo Lý Sơn.

Đồng thời, Sở NN&PTNT tiến hành quy hoạch, hình thành khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Gành Yến, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, nhằm bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, rong biển và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm ở khu vực này. Bên cạnh đó, điều chỉnh quy mô, phạm vi và ranh giới của Khu bảo tồn biển Lý Sơn phù hợp với quy hoạch bảo vệ và khai thác giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.

Đối với khu vực Gành Yến và Khu bảo tồn biển Lý Sơn, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đề xuất thí điểm quy định cấm biển 1 tháng, từ 1/5 đến 30/5 ở vùng biển ven bờ; cấm khai thác có thời hạn 3 tháng, từ 1/3 đến 30/5 đối với các loại nghề có mức xâm hại cao như: nghề lưới kéo, pha xúc, chụp mực, mành, lưới vây.

Diệu Châu

>> Song song với các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, ngành nông nghiệp tập trung cơ cấu lại các loại nghề theo hướng giảm tỷ trọng nghề lưới kéo còn 14 - 15%; đồng thời kiểm soát phạm vi ngư trường hoạt động của đội tàu từ 12 m trở lên, nhằm hạn chế tình trạng tàu cá vi phạm vùng, tuyến trong quá trình khai thác hải sản.

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!