T2, 06/07/2020 10:10

Chấp hành quy định về khai thác thủy sản ở Tây Ninh: Còn “giơ cao đánh khẽ”

Chưa có đánh giá về bài viết

Tây Ninh không là tỉnh ven biển nhưng có nhiều triển vọng phát triển ngành thủy sản, tuy nhiên hiệu quả kinh tế ngành này vẫn thấp so với tiềm năng, chủ yếu do tình trạng vi phạm quy định về khai thác thủy sản còn nhiều.

Xây không đủ bù phá

Tỉnh Tây Ninh có diện tích mặt nước lớn để phát triển thủy sản. Hồ Dầu Tiếng đã có 27.000 ha, riêng sông Vàm Cỏ (dài hơn 150 km) đã tạo nên vùng ruộng trũng ngập nước trong mùa mưa lũ hơn 10.000 ha, là nơi trú ngụ nhiều loài thủy sản nước ngọt giá trị kinh tế cao. Đó là chưa kể hệ thống kênh rạch thủy lợi nội đồng tỏa khắp các huyện, thị, tạo nên môi trường thuận lợi cho các loài thủy sản phát triển. Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, hiện có hơn 50 loài thủy sản đang sinh sống tại hồ Dầu Tiếng; trong đó có cá lăng, cá thát lát, cá leo, cá ngựa.

Khai thác thủy sản ở hồ Dầu Tiếng

Để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, mỗi năm tỉnh đầu tư 500 triệu đồng mua cá giống thả vào hồ Dầu Tiếng (năm 2005 – 2010 đã có 6 triệu con cá giống được thả vào hồ). Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngư dân lại rầm rộ khai thác trái phép bằng ngư cụ có tính hủy diệt, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản quý. Ông Phùng Văn Triều đã 16 năm đưa đò trên hồ Dầu Tiếng, chứng kiến vô số vụ đánh bắt thủy sản trái phép, bức xúc cho biết: “Các ngành quản lý về đánh trái, lưới xanh, những kẻ bắt trộm bằng loại lưới nhuyễn, coi như cá mẹ cá con bị bắt hết. Những người đánh lưới giăng, có hợp đồng khai thác chỉ đánh lưới thưa, số kia thì đánh trộm. Nhờ Nhà nước đầu tư nên hôm nay mới có cá lại; nếu không, cá lòng hồ sẽ hết”.

 

Cần quyết liệt hơn

Trước tình trạng vi phạm trong khai thác thủy sản, Chi cục Thủy sản Tây Ninh phối hợp cùng các ngành, mỗi năm 10 đợt kiểm tra, xử lý. Năm qua, đã phát hiện và phạt 6 ghe sử dụng lưới xanh (một loại lưới có tính tận thu, bắt được các loại cá nhiều kích cỡ); tiêu hủy gần 900m lưới xanh, 15.000m dớn, tịch thu 2,4 kg thuốc nổ, 19 kíp nổ; xử phạt 719 vụ dùng xung điện đánh bắt thủy sản; tịch thu 753 bình ắcquy, gần 900 bộ kích điện, 2 ghe cào; cảnh cáo 4 ghe cào khác. Tổng số tiền phạt gần 28 triệu đồng – Quá nhẹ, không đủ sức răn đe người sai phạm.

Ông Lê Văn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tây Ninh cho biết: Thời gian qua, để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, thứ nhất là phối hợp các ngành các cấp kiểm tra xử lý đối với ngư dân có sử dụng ngư cụ cấm. Thứ hai, tuyên truyền cho người khai thác thủy sản ven hồ Dầu Tiếng biết nguồn lợi nào cần bảo vệ, phục vụ lợi ích chung, làm sao vừa khai thác vừa phục hồi được nguồn lợi này.

Có thể thấy, các giải pháp mới dừng ở tuyên truyền là chính. Muốn tăng cường tuần tra, xử phạt thì thiếu nhân lực, phương tiện. Hiện, tại Phòng NN&PTNT các huyện hầu như không có cán bộ chuyên trách thủy sản. Công tác phối hợp vì thế càng hạn chế. Khai thác trái phép thường diễn ra ban đêm, trong khi Chi cục Thủy sản thiếu ghe đò đi kiểm tra, phải thuê bên ngoài, rất bị động và thường không đảm bảo bí mật. Ngư dân đánh bắt thủy sản thường sử dụng ghe đò nhỏ, công suất dưới 10 CV, nên khi họ đến đăng ký tàu cá, Chi cục chỉ có thể xác nhận đăng ký con tàu, chưa đủ điều kiện cấp phép khai thác cho chủ tàu, khi xử phạt càng khó khăn hơn.

>>  Thực hiện Quyết định 188 (13/2/2012) của Chính phủ, Chi cục Thủy sản đã trình UBND tỉnh “Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Tây Ninh đến năm 2020”.

Nguyên Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!