T2, 06/07/2020 10:26

Nhà thùng Phú Quốc phấp phỏng chờ nguyên liệu

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ cuối năm 2012, nhất là từ tháng 4/2013 đến nay, các nhà thùng tại Phú Quốc luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, khiến nghề sản xuất nước mắm đối diện nguy cơ giải nghệ.

Trữ lượng khai thác giảm

Hiện có hơn 100 cơ sở sản xuất nước mắm tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang phải đối diện tình trạng thiếu hụt nguồn cá cơm nguyên liệu trầm trọng, số nguyên liệu cá cơm chỉ đáp ứng khoảng 60% công suất.

Giám đốc một công ty sản xuất nước mắm tại Phú Quốc cho biết: Đon vị đã giảm công suất xuống còn 60% so với thời kỳ cao điểm trước đó, do không đủ nguyên liệu tiếp tục sản xuất. Giá cá cơm và cá thu cao gấp 3 – 4 lần (từ 6.000 – 7.000 đồng/kg, giờ lên 25.000 – 30.000 đồng/kg); do vậy đầu ra không chủ động được, hơn nữa giá cá nguyên liệu cao vẫn không đủ mua, vì thương lái đã mua trực tiếp ngoài khơi để xuất sang Trung Quốc.

Các nhà thùng tại Phú Quốc đang thiếu nguyên liệu cá cơm để sản xuất

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc: Cá nguyên liệu thiếu cho các nhà thùng sản xuất còn do tàu các tỉnh lân cận cũng đổ xô về vùng biển Phú Quốc gom cá cơm để làm nước mắm hoặc phơi khô nên tình trạng thiếu nguyên liệu càng nghiêm trọng. Hiện có gần 40% cơ sở đã phải treo thùng do không có nguyên liệu hoặc giá nguyên liệu quá cao. Theo tính toán, để cho ra sản lượng 30 triệu lít nước mắm mỗi năm, các cơ sở sản xuất ở Phú Quốc cần khoảng 30.000 tấn cá cơm nguyên liệu. Tuy nhiên, nguồn cá cơm chỉ đáp ứng khoảng 60% công suất, việc thiếu nguyên liệu là thường xuyên.

Ước tính mỗi ngày có vài trăm tấn cá cơm được đưa ra khỏi vùng biển Phú Quốc. Dự báo sản lượng nước mắm tiếp tục giảm mạnh và giá thành nước mắm sẽ tăng. Việc thiếu nguyên liệu không chỉ ảnh hưởng tới các nhà thùng sản xuất mắm mà còn ảnh hưởng tới những ghe chuyên cung cấp muối. Sản xuất mắm thu hẹp nên cơ sở bán muối cũng chậm theo. Lượng muối cũng giảm khoảng 1/3 so với thời gian trước đó.

Ông Ngô Quang Tú (Cục Chế biến Thương mại Nông lâm sản và Nghề muối) cho biết: Tình trạng các nhà thùng sản xuất nước mắm thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất là do nguồn nguyên liệu khai thác trên biển ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác biến động từng ngày, cộng với việc ngư dân mang cá bán cho thương lái Trung Quốc với giá cao gấp 3 – 4 lần giá trong nước nên việc thiếu hụt không tránh khỏi.

 

Doanh nghiệp lao đao

Đến thời điểm này, có gần 40% cơ sở đã phải treo thùng do không có nguyên liệu hoặc giá nguyên liệu quá cao. Không ít cơ sở sản xuất tại Phú Quốc đã phải tự tổ chức đội tàu đánh bắt cá cơm, hoặc cho tàu sang thu gom của ngư dân Campuchia, Thái Lan… để có nguyên liệu sản xuất cầm chừng.

Theo ông Nguyễn Minh Trực, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Quốc: Thương lái Trung Quốc đặt mua giá cao nên những người thu mua đã nâng giá bán hàng nguyên liệu nội địa. Hơn nữa, giá mua tại Trung Quốc diễn ra trong thời gian ngắn nên dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán. Trong khi người Trung Quốc “vơ vét” nguồn cá nguyên liệu thì một số thương lái cũng gom hàng vào đất liền bán cho các nhà thùng một số tỉnh khác nên các nhà thùng sản xuất mắm tại Phú Quốc phải cạnh tranh “tứ bề”.

“Với tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất như hiện nay, khó nhà thùng nào chịu đựng được. Đầu vào đã bấp bênh, cộng với việc tăng giá nguyên liệu khiến giá bán mắm cũng phải tăng, nhưng người tiêu dùng có chấp nhận không? Doanh nghiệp lao đao vì vốn, trong khi thị trường chưa chấp nhận”, chủ cơ sở sản xuất nước mắm gia truyền tại thị trấn Dương Đông cho biết.

Ông Nguyễn Vân Thanh, Chủ tịch Hội Nghề cá Kiên Giang, cho biết: Nguồn tài nguyên ngày càng khó khai thác, dự báo trữ lượng cá khai thác chưa có số liệu thống kê cụ thể, việc khai thác của ngư dân quy mô nhỏ nên được giá ở đâu là ngư dân bán ở đó. Người Trung Quốc luôn thao túng thị trường nước ta nên khi họ tham gia sẽ ảnh hưởng tới thị trường trong nước.

Một số người cho rằng: Nếu tình trạng này diễn ra quá lâu, việc mua nguyên liệu cá quá cao, đẩy giá cá nguyên liệu tăng gấp 2 – 3 lần là đáng lo ngại,  làm cho doanh nghiệp trong nước “nghẹt thở”, phá sản, trong khi nếu thị trường ngoài nước không có nhu cầu thì vấn đề về giá cả và tình trạng “được mùa mất giá” lại tiếp tục xảy ra.

Trong khi đó, theo một vị lãnh đạo Sở NN&PTNT Kiên Giang, giá cá tăng từ giữa năm 2012 đến nay khoảng 30%, do số lượng nhà thùng sản xuất nước mắm tăng với số lượng lớn, nguồn cầu tăng ồ ạt, trong khi chưa có điều tra thống kê cụ thể số lượng nguồn cá giảm bao nhiêu, quy hoạch cần số lượng bao nhiêu. Bên cạnh đó, thời gian qua, số lượng cá cơm sấy khô phục vụ nhu cầu sản xuất cá cơm sấy và cá cơm khô cũng thiếu nên nguồn cá cho sản xuất nước mắm cũng bị đẩy sang cá cơm sấy khô. Theo vị lãnh đạo này, giá cá tăng là cơ hội tốt giúp ngư dân khắc phục tình trạng sản xuất không hiệu quả, tăng thu nhập, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp ngư dân yên tâm bám biển. Nếu các nhà thầu tính toán tốt, vẫn đảm bảo mua được hàng thì vẫn có lãi và vực dậy ngành nghề trong nước.

>> Phú Quốc hiện có hơn 100 nhà thùng sản xuất nước mắm, sản lượng hơn 30 triệu lít/năm. Hội Nước mắm Phú Quốc đã kiến nghị các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác, thu mua, và kiến nghị  ngành chức năng giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!