T2, 06/07/2020 10:17

Quảng Nam: Lộc biển đầu năm

Chưa có đánh giá về bài viết

Ra giêng là thời điểm người dân ở các làng chài ven biển tranh thủ ra biển cào ốc. Không ít người quan niệm, đi cào ốc ruốc để… “mở hàng” cho một năm làm ăn may mắn, suôn sẻ.

Năm nào cũng vậy, sau những ngày tết, ngư dân làng biển Hạ Thanh (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) lại rộn rã với nghề khai thác ốc ruốc – sản vật chỉ sinh sản mạnh trong mùa xuân. Tờ mờ sáng, bất chấp lớp lớp con sóng xô dạt vào bờ, người dân nơi đây vẫn mang dụng cụ cào ốc ruốc. Ngâm mình trong dòng nước tê buốt, ngoài thanh niên còn có phụ nữ. Vừa mang gàu nước biển đổ vào thau ốc sau khi khai thác được, bà Trần Thị Lý, người dân làng Hạ Thanh 2 (xã Tam Thanh) cho biết: “Cái nghề ni chỉ làm từ tháng giêng và qua đầu tháng 3 âm lịch là “gác cào”. Tính thời gian cào, lượm lặt rác rưởi và phân loại ốc tốn hơn một giờ đồng hồ, gia đình tôi kiếm trên dưới 200 nghìn đồng, đủ sức mua mắm muối. Làng này có hơn 30 phụ nữ chuyên đi cào ốc bán”. 

Tháng giêng là cao điểm mùa ốc ruốc ở Tam Thanh. Ảnh: H.PHÚC 

Tháng giêng là cao điểm mùa ốc ruốc ở Tam Thanh. Ảnh: H.Phúc

Tại vùng biển Tam Thanh, kéo dài khoảng hơn 3km từ thôn Hạ Thanh 2 đến Tỉnh Thủy có gần trăm người cào ốc. Dân biển thường đi cào ốc theo một nhóm ít nhất 5 người trong bán kính vài chục mét. Mặt trời ló dạng là lúc dọc bờ biển Tỉnh Thủy chộn rộn bước chân người. Dưới biển, ngư dân hối hả cào ốc, trên bờ người mua kẻ bán rôm rả. Giá một lon ốc ruốc bán tại chỗ dao động từ 1 – 3 nghìn đồng. Người dân làng chài Tam Thanh gần như không đặt nặng vấn đề giá cả. Họ chỉ mong trời yên biển lặng, cầu cho được mùa, trước để tăng thêm thu nhập gia đình, sau là chia sẻ “lộc” đầu năm với mọi người. Theo bà Lý, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, ốc ruốc xuất hiện nhiều ở vùng biển Tam Thanh, năng suất khai thác đạt gần gấp đôi so với thời điểm năm ngoái.

Tại các vùng biển Cửa Đại và An Bàng (TP.Hội An), ngư dân cũng dầm mình xuống biển cào ốc. Nếu như trước đây, ngư dân đi cào ốc ruốc tự phát bằng dụng cụ thủ công (dụng cụ cào được chế biến đơn giản bằng tre, giống hệt như chiếc cào hến, cào nghêu) thì hiện tại, dụng cụ này đã được cải biến lại gọn nhẹ hơn để gắn vào thuyền máy, tăng hiệu quả sản xuất. Ông Võ Văn Hùng (khối An Bàng, phường Cẩm An) cho biết: “Việc cải tiến chiếc cào truyền thống đã giúp ngư dân tận dụng thêm thời gian, tăng khối lượng ốc khai thác được. Những mắc cào được “cải biên” lại với khoảng cách rộng hơn cũng giúp chúng tôi “thả lỏng” những ốc non chưa đủ lớn, tạo điều kiện cho chúng phát triển”.

Nếu như tại TP.Hội An, ốc sau khi thu hoạch được tính bằng ang, lon thì tại huyện Điện Bàn, đơn vị tính bằng chiếc thùng chứa nước. Mỗi ngày cào ốc ruốc, 1 phương tiện có thể thu được khoảng 5 xô (mỗi xô chứa được 70 – 80 lon ốc). Như vậy sau một ngày lao động, mỗi gia đình thu được hơn 600 nghìn đồng. Ở xã Điện Dương, từ nhiều năm nay có nhiều gia đình chuyên khai thác ốc ruốc và họ liên kết với một số người chuyên thu mua, chế biến và cung ứng ốc ruốc trên thị trường ở Điện Bàn, Hội An và nhất là TP.Đà Nẵng. Ông Phan Thanh Tùng (Hà My Đông, Điện Dương) cho biết: “Ốc ruốc là lộc của biển ban tặng cho ngư dân chúng tôi. Mặc dù thời gian khai thác không nhiều nhưng sản vật này cũng giúp nhiều gia đình cải thiện được cuộc sống”.

Hữu Phúc - Quang Việt

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!